Kỳ thi năm nay đặc biệt hơn mọi năm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tào (GD-ĐT), của tỉnh và sự ứng phó linh hoạt của ngành GD-ĐT tỉnh, mọi nhiệm vụ giáo dục đang thực hiện theo đúng kế hoạch và Kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự chuẩn bị kịp thời.
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh. Sau đây là nội dung của cuộc trao đổi.
P.V: Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này như thế nào, thưa ông?
Ông Đào Anh Tuấn: Kỳ thi năm nay toàn tỉnh tổ chức 1 Hội đồng thi với 27 điểm thi; có 322 phòng thi; tăng 2 điểm thi và 17 phòng thi so với năm 2019. Đến thời điểm này Sở GD-ĐT đã hoàn thành công tác chuẩn bị để tổ chức kỳ thi. Thí sinh đã hoàn thành công tác đăng ký dự thi và đang tích cực ôn tập để bước vào kỳ thi với một tâm thế và kết quả cao nhất.
Các cơ sở giáo dục đang tiếp tục tăng cường công tác phụ đạo học sinh có kết quả yếu kém trong năm học và sau các kỳ thi thử; tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án tổ chức thi tại đơn vị; xây dựng các phương án dự phòng để tổ chức kỳ thi an toàn.
Sở GD-ĐT tích cực tham mưu với UBND tỉnh phương án tổ chức kỳ thi; thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức kỳ thi. Tổ chức quán triệt quy chế, tập huấn nghiệp vụ thi và kiểm tra trắc nghiệm cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức kỳ thi. Chuẩn bị các trang thiết bị để phục vụ công tác in sao đề thi, coi thi, chấm thi đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Đến thời điểm này, Hội đồng thi đã được thành lập. Các ban chuyên môn của Hội đồng thi đã tiến hành kiểm tra hồ sơ thi của thí sinh; chuẩn bị văn phòng phẩm, ấn phẩm, trang thiết bị, phương tiện máy móc phục vụ kỳ thi. Nhìn chung, Yên Bái đã sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Ông Đào Anh Tuấn.
P.V: Xin ông cho biết những khó khăn của tỉnh và những giải pháp của ngành?
Ông Đào Anh Tuấn: Yên Bái là tỉnh miền núi địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn; thí sinh là người dân tộc thiểu số đông; nhiều điểm thi không nằm tại thị trấn mà ở tại các xã; địa bàn, thời tiết vùng cao có thể ảnh hưởng đến kỳ thi như mất điện do mưa bão, sạt lở đất...; thời điểm tổ chức kỳ thi là thời điểm mưa lũ, diễn biến thời tiết hết sức phức tạp.
Ngoài ra, kỳ thi năm nay được giao lại cho địa phương - không có cán bộ giảng viên của các trường đại học, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường... vì thế, số lượng giáo viên THPT không đủ để tham gia công tác coi thi, phải huy động giáo viên THCS; một số cán bộ quản lý, giáo viên đã nhiều năm không tham gia công tác coi thi, chấm thi.
Để khắc phục những khó khăn này, ngành GD-ĐT đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh giao nhiệm vụ cho cấp ủy đảng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi trên địa bàn; xây dựng các phương án dự phòng thiên tai, lũ bão tại một điểm thi an toàn; chỉ đạo các cơ quan, ban ngành địa phương ứng trực, đảm bảo hỗ trợ các điểm thi khi có diễn biến bất thường của thời tiết.
Ngành GD-ĐT đã tăng cường công tác tập huấn quy chế, nghiệp vụ thi tới tất cả các cơ sở giáo dục và các đơn vị phối hợp - kể cả thành viên ban chỉ đạo thi các cấp, các đồng chí làm công tác thanh tra, kiểm tra, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự. Giao cho các trường THPT hướng dẫn, tập huấn quy trình, nghiệp vụ tổ chức thi cho lực lượng giáo viên THCS.
Đặc biệt, 100% cán bộ quản lý, giáo viên của THCS và THPT đều phải tham gia các đợt kiểm tra việc nắm vững quy trình, nghiệp vụ tổ chức thi. Ngành hiện đang tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác chuẩn bị của kỳ thi như: tập trung ôn tập hiệu quả cho các nhóm đối tượng học sinh, đặc biệt quan tâm đến đối tượng có học lực yếu, hoàn cảnh khó khăn; xây dựng các phương án phối hợp với các ban, ngành tổ chức xã hội, phụ huynh học sinh tham gia chuẩn bị, tổ chức tốt kỳ thi.
Đặc biệt, phối hợp với lực lượng công an đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi; phối hợp với Công đoàn ngành, Hội Khuyến học các cấp rà soát các trường hợp thí sinh có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn để xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không có thí sinh bỏ thi do hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, cơ bản chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ, thiết bị, cơ sở vật chất để Hội đồng thi, các ban chuyên môn của Hội đồng thi làm việc; đảm bảo tất cả các khâu của kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
P.V: Ông có những lưu ý, lời khuyên nào dành cho các sĩ tử của tỉnh trước kỳ thi quan trọng sắp tới?
Ông Đào Anh Tuấn: Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (gọi chung là chương trình THPT); lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Vì thế, đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, nhưng nội dung đề thi vẫn chủ yếu là chương trình lớp 12 và vừa phải đảm bảo ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, vừa có độ phân hóa cao. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 2219/BGDĐT-GDTrH ngày 22/6/2020 về việc tổ chức dạy học và ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nội dung ôn tập Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo chương trình giáo dục phổ thông, trong đó tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12; chú ý các nội dung dạy học đã được điều chỉnh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; hướng dẫn giáo viên và học sinh tham khảo, làm quen với định dạng của đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT đã công bố ngày 07/5/2020.
Vì thế, các em học sinh cần tích cực, chủ động trong việc ôn tập; bám sát chương trình, sách giáo khoa và chuẩn kiến thức kỹ năng cấp THPT của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là kiến thức lớp 12. Tiếp tục tổ chức cho học sinh ôn tập kết hợp giữa hình thức trực tiếp và qua Internet, trên truyền hình. Nghiên cứu bộ đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là nghiên cứu bộ câu hỏi ôn thi tốt nghiệp THPT của 9 môn được Sở GD-ĐT biên soạn; thí sinh có thể tập dượt, làm quen với định dạng đề thi và phương thức thi theo bài để tiếp tục ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi.
Để có được kết quả tốt nhất, các em học sinh hãy thực hiện nghiêm túc kế hoạch ôn tập của nhà trường, hướng dẫn của các thầy giáo, cô giáo; xác định rõ mục tiêu và có định hướng ôn tập phù hợp, nắm chắc kiến thức cơ bản; sắp xếp thời gian biểu hợp lý, dành thời gian tự học, tự ôn tập, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng; không nên học dồn nén, quá tải để đảm bảo sức khỏe; bình tĩnh - không tự tạo áp lực, tâm lý trong suốt thời gian ôn tập và tham dự kỳ thi. Cuối cùng, mong rằng các em có thể chuẩn bị một tâm thế tự tin, bình tĩnh để hoàn thành kỳ thi tốt nhất.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thanh Ba (thực hiện)