Yên Bái tổng kết Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2016 – 2020 và triển khai nhiệm vụ năm học mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 31/8/2020 | 11:49:18 AM

YênBái - Sáng 31/8, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học giai đoạn 2016 – 2020 và tổng kết năm học 2019 – 2020, triển khai nhiệm vụ năm học 2020 – 2021. Đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Hội nghị.

Đề án quan trọng nhất về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong nhiệm kỳ 2015- 2020

Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 là một trong những đề án quan trọng nhất về lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) của tỉnh Yên Bái trong nhiệm kỳ 2015- 2020. 

Trước khi thực hiện Đề án, toàn tỉnh có 530 trường, 765 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn bản, khu dân cư. Sau khi thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm được 130 trường và 478 điểm trường, giảm nhu cầu 1.985 người làm việc, số học sinh ra lớp tăng 20.482 học sinh, đặc biệt có trên 10.000 học sinh bán trú được hưởng chính sách theo Nghị định 116 của Chính phủ, qua đó đã giảm bớt khó khăn cho hàng chục ngàn gia đình co con em đi học ở vùng cao, vùng khó khăn. 

Hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại trà và giáo dục dân tộc. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 435 dự án thuộc Đề án với tổng mức đầu tư 735,4 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả đầu tư từ Đề án, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục dân tộc.


Toàn cảnh Hội nghị.

Trong 5 năm, các cơ sở giáo dục thuộc Đề án đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, các nhà hảo tâm với số tiền gần 60 tỷ đồng; huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng được 122 phòng học, 496 phòng ở, các trang thiết bị phục vụ dạy học và đời sống cho học sinh bán trú, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT).

Yên Bái có 2 học sinh nằm trong tốp 10 học sinh có điểm thi khối C cao nhất cả nước 

Năm học 2019 – 2020 là một năm học đặc biệt do ảnh hưởng diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVD-19. Với quan điểm "giãn cách xã hội nhưng không dừng việc học”, toàn tỉnh đã chủ động triển khai những biện pháp, giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ dạy và học với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. 

Qua đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên: tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT đã có 27 em đạt giải (tăng 3 giải so với năm học trước), có 1 giải nhất, 4 giải nhì (tăng 1 giải nhì so với năm học trước). 

Tỉnh cũng đã tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế với tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao, trên 97,8%. Yên Bái có 2 học sinh nằm trong tốp 10 học sinh có điểm thi khối C cao nhất cả nước. 

Năm học mới 2020 - 2021, tỉnh Yên Bái đã chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới năm 2018.

Quan tâm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả mà ngành GD-ĐT đạt được quá trình triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học giai đoạn 2016 - 2020 cũng như trong năm học vừa qua. Đồng chí cũng biểu dương các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân đã đồng hành, quan tâm tới sự nghiệp phát triển GD-ĐT của tỉnh nhà.


Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác GD-ĐT trong thời gian tới, hoàn thành các mục tiêu của Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp học đã đề ra, nhất là trong bối cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển sự nghiệp GD-ĐT  đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và học sinh. 

Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển GD-ĐT, kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục rà soát sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh; duy trì, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Cùng với đó, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn lực bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo; tăng cường quản lý giáo dục. 

Quan tâm tạo nguồn phát triển nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, trong đó hoàn thiện Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2021 - 2025 gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng học sinh giỏi, đặc biệt là bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan để khắc phục những vấn đề phát sinh hoặc còn tồn tại, vướng mắc trong thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp, học. Đồng thời, giao các địa phương phối hợp với ngành giáo dục sắp xếp hợp lý để kết thúc năm học không còn lớp ghép.

Về công tác chuẩn bị khai giảng và thực hiện các nhiệm vụ của năm học mới 2020 - 2021, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị toàn ngành GD-ĐT và mỗi nhà trường phải tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện để ngày khai giảng thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Hoàn thành công tác tuyển sinh lớp đầu cấp; không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học sau nghỉ hè. Ưu tiên đảm bảo các điều kiện cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Kế hoạch, đảm bảo kịp thời, bám sát thực tiễn...

Nhân dịp này, 4 tập thể được nhận Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT vì đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học" năm học 2019 - 2020; 6 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; 3 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc năm học 2019 – 2020 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. 

Cũng nhân dịp này, 15 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 -2020 và 14 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020 được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.



Thừa ủy quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trao Cờ thi đua của Bộ GD-ĐT cho các tập thể có thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học", năm học 2019 - 2020.



Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến trao Danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc cho 11 tập thể.



Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy trao bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, năm học 2019 - 2020.



Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giai đoạn 2016 - 2020.



Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020. 



Thừa ủy quyền, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vương Văn Bằng trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho các tập thể và cá nhân.


Thanh Chi - Hoài Văn

Tags Yên Bái tổng kết đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp học triển khai năm học mới

Các tin khác
Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT).

Chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, phổ điểm từng môn và các tổ hợp xét tuyển truyền thống, nhiều trường đã xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển).

Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đến hết năm học 2019-2020, toàn thành phố có 46 trường, 652 nhóm, lớp với gần 22 nghìn học sinh; 38/40 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.

Ảnh minh họa.

Để thống nhất công tác xét tuyển, Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời gian để tất cả thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay có thể cùng điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 19-25/9/2020 bằng hình thức trực tuyến và từ ngày 19-27/9/2020 bằng phiếu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục