Ngành GD&ĐT huyện đã tham mưu, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, các đề án, chuyên đề về công tác giáo dục, ngành, đồng thời tham mưu Huyện ủy phân công các chi bộ, đảng bộ, các cơ quan, đơn vị đỡ đầu các trường học vùng khó khăn giúp đỡ các nhà trường giải quyết những vấn đề vướng mắc nảy sinh, có nhiều hoạt động quyên góp, hỗ trợ về vật chất cho những học sinh có hoản cảnh khó khăn, động viên các em vươn lên trong học tập.
Quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với việc tham mưu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, ngành còn chỉ đạo các trường học thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả trang thiết bị hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục.
Trong công tác chuyên môn, ngành đã nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Bộ, Sở, để ban hành các văn bản chỉ đạo sát với tình hình giáo dục của địa phương.
Hàng năm, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác khảo sát chất lượng đầu năm học, đối chiếu với kết quả năm học trước để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, cam kết chất lượng giáo dục; tổ chức hội nghị chuyên môn cấp THCS triển khai kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh.
Chỉ đạo các cụm mạng lưới chuyên môn tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn với nhiều hình thức, tăng cường sinh hoạt chuyên môn trên mạng trường học kết nối, tạo điều kiện cho giáo viên các trường, nhất là các trường vùng cao được trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy.
Đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh; coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, có hình thức động viên khen thưởng kịp thời. Đồng thời, phân loại đối tượng học sinh, quan tâm bồi dưỡng học sinh yếu kém, tập trung ôn tập cho học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 THPT; xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán hỗ trợ các đơn vị trong tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, ôn tập cho học sinh vùng khó khăn; thực hiện nghiêm túc việc nghiệm thu bàn giao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, ngành quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số từ cấp mầm non, tiểu học để các em có điều kiện tốt trong việc tiếp thu kiến thức; nâng số lượng mô hình trường bán trú để thu hút các em tham gia vào các hoạt động tập thể, giúp các em nhanh chóng hòa đồng.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện trong công tác giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh; tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút học sinh đến lớp, đến trường; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn các nhà trường.
Nhờ đó, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp các cấp học đều tăng; công tác duy trì số lượng học sinh được đảm bảo; chất lượng giáo dục đã có sự chuyển biến tích cực. Hàng năm, 100% số trẻ 5 tuổi được đánh giá hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; 100% trẻ dân tộc thiểu số được tăng cường rèn luyện tiếng Việt trước khi vào học phổ thông.
Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ học sinh lên lớp ở bậc THCS đạt 98,14%, 36,9% học sinh xếp loại khá, giỏi. Hàng năm, tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS luôn đạt và duy trì tỷ lệ 99,5% trở lên, trong đó năm học 2019 - 2020 đạt 99,9%.
Năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp, quyết tâm triển khai hiệu quả, là cơ sở vững chắc cho ngành GD&ĐT huyện đạt được thành tựu mới.
Thanh Vy