Mù Cang Chải tiếp bước trẻ vùng cao đến trường

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/10/2020 | 1:48:01 PM

YênBái - Bằng sự kết nối, kêu gọi của Huyện đoàn Mù Cang Chải, sự nhiệt huyết chung tay của đoàn viên thanh niên, những con đường bê tông mang tên “Con đường em đến trường” được xây dựng ngày càng nhiều trên địa bàn, giảm bớt gian nan trên đường đến trường của trẻ em huyện vùng cao này.

Tuổi trẻ Mù Cang Chải đã bê tông được 45 km “Con đường em đến trường”.
Tuổi trẻ Mù Cang Chải đã bê tông được 45 km “Con đường em đến trường”.

Sau gần 1 tháng thi công, "Con đường em đến trường” tại bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình đã hoàn thành trong sự mong đợi, hào hứng của gần 500 hộ dân, trên 400 em thiếu nhi tại 3 bản: Dế Xu Phình, Ma Lừ Thàng và Phình Hồ. 

Con đường có chiều dài 1,2 km, rộng 1,5 đến 2 m, bề dày từ 10 đến 18 cm với tổng trị giá trên 600 triệu đồng được xây dựng bằng nguồn xã hội hóa, trong đó Trường Tiểu học-THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) hỗ trợ 80 tấn xi măng, trên 2.000 lượt đoàn viên thanh niên và nhân dân địa phương đóng góp cát sỏi và ngày công xây dựng công trình. 

Em Giàng Thị Chu tâm sự: "Trước đây, chúng em phải đi học trên những con đường đất đầy đá sỏi, trời mưa thì đất nhão, trơn trượt, đến lớp lắm hôm quần áo lấm lem toàn bùn đất. Từ khi có con đường bê tông này, em và chúng bạn vui lắm! Tới đây, dù thời tiết có không thuận lợi đi nữa nhưng chúng em cũng vẫn hăng hái tới trường để học tập và trở thành người có ích”. 

Còn nhiều lắm những con đường em đến trường được hoàn thành trên địa bàn huyện như: gần 1 km tại bản Lao Chải, xã Lao Chải, tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng, trong đó Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh huy động hỗ trợ 150 tấn xi măng; 1,5 km tại bản Tủa Mả Pán, xã Khao Mang với 40 tấn xi măng được hỗ trợ; 0,5 km tại xã Nậm Khắt với 30 tấn xi măng được hỗ trợ… 

Để có những con đường này, không chỉ cần hàng chục, hàng trăm tấn xi măng mà còn rất cần sự chung sức của nhân dân, của đoàn viên thanh niên. Bởi những con đường ấy cần tối giản chi phí bằng cách đóng góp công lao động và tự kiếm nguyên liệu: cát, sỏi – đó là công việc cần nhiều thời gian, công sức. 

"Con đường em đến trường” tại bản Nả Háng, xã Chế Tạo vừa được khởi công gần đây là một minh chứng rõ ràng. Xi măng hỗ trợ chỉ vận chuyển được lên tới trung tâm xã, cách địa điểm khởi công công trình 13 km đường đất, đá sỏi gập ghềnh, dốc núi quanh co, phải vận chuyển toàn bộ xi măng bằng xe máy từ các thanh niên trong bản. Mỗi xe chỉ chở được 1 hoặc 2 bao, xe nào khỏe lắm thì chở được 3 bao xi măng. Còn cát vàng vào được đến nơi giá cao gấp 10 lần so với điểm bán vật liệu xây dựng ở huyện, cho nên cát, sỏi được thanh niên trong xã tự xúc ở suối, tự đãi sỏi, hút cát bằng những dụng cụ thô sơ nhất và cực kỳ vất vả. 

Chở từng bao xi măng hay thu được tải cát vàng, tải sỏi cuội dùng làm đường dưới lòng suối không phải là việc đơn giản, song với tinh thần xung kích nhiệt huyết vì cộng đồng, 45 km "Con đường em đến trường” được bê tông hóa, đem đến niềm vui, hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em và nhân dân trong huyện. 

Anh Giàng A Ly – Bí thư Huyện đoàn Mù Cang Chải cho biết: "Nhằm tiếp tục phát huy Cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu” giúp các em học sinh vùng cao đi lại thuận lợi trên con đường đến trường, mô hình "Con đường em đến trường” được phát động triển khai từ năm 2019 bằng việc bê tông hóa các con đường giao thông nông thôn, đường nội thôn, liên thôn với chiều rộng từ 1 đến 3,5 m, dày từ 10-20 cm tùy vào điều kiện của địa phương. 

Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ tiếp tục kết nối, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xi măng, huy động đoàn viên thanh niên đóng góp cát, sỏi, ngày công để tiếp bước cho trẻ em huyện nghèo Mù Cang Chải đến trường bằng những con đường sạch, đẹp, an toàn”.

Không chỉ riêng huyện Mù Cang Chải mà tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đang cần lắm những tấm lòng hảo tâm, sự chung tay của cộng đồng để những con đường em đến trường tiếp tục được nhân lên hơn nữa, tiếp bước cho trẻ em vùng cao đến trường.

Hoài Anh

Tags Mù Cang Chải tiếp bước trẻ vùng cao đến trường

Các tin khác
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có gần 50% trường/ngành chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Do đó, thí sinh cần tìm hiểu, tính toán, cân nhắc thật kỹ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Ngày 12/10, huyện Lục Yên đã tổ chức tiếp nhận và cấp phát trên 165 tấn gạo từ Kho dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 2.427 em học sinh bán trú thuộc các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn.

Ngày 10/10, tại Trường THPT Kim Sơn A, đại diện Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho em Nguyễn Thị Thu Hằng vô địch cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" lần thứ 20 năm 2020.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao Bằng khen và Kỷ niệm chương của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu.

Tối 9-10, tại Hà Nội, lần đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2020. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cùng đại diện các bộ, ban, ngành chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục