Thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” (gọi tắt là Đề án 89), công tác xây dựng xã hội học tập (XHHT) đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; được các ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai thực hiện, qua đó thu được nhiều kết quả.
Để triển khai Đề án, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành 20 văn bản quan trọng chỉ đạo, hướng dẫn các ban, sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương thực hiện. Do đó, quá trình triển khai đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, đặc biệt là hội khuyến học các cấp với ngành giáo dục và đào tạo.
Công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của học tập suốt đời được tổ chức thường xuyên, định kỳ với các hình thức phong phú và đa dạng; hàng năm, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức hiệu quả các sự kiện như: Ngày sách Việt Nam, Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời... 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giai đoạn và hàng năm.
Thực hiện mục tiêu Đề án, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động được đẩy mạnh. Từ năm 2013 đến năm 2020, Sở Nội vụ đã mở 10 lớp đào tạo với 740 người và bồi dưỡng 320 lớp với 27.630 người.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức trung bình mỗi năm mở 120 lớp bồi dưỡng chương trình quản lý giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 8.000 cán bộ quản lý các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các xã đào tạo nghề cho 29.531 lao động, tổ chức 5.121 lớp tập huấn kỹ thuật lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cho 223.796 lượt người tham gia…
Hàng năm, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức và cử CBCCVC trong cơ quan tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, tin học, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
Từ các giải pháp triển khai và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, tổ chức, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra.
Tỉnh đã duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện; duy trì vững chắc kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 với 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện.
100% đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 1; trong đó có 97,22% đơn vị cấp xã, 67,8% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn mức độ 2 và 45,1% đơn vị cấp xã đạt chuấn mức độ 3.
Đến nay, tỷ lệ dân số độ tuổi từ 15-60 biết chữ (mức độ 1) đạt 94,96%, trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 91,43%; tỷ lệ dân số độ tuổi 15-35 biết chữ đạt 97,82% (298.634/305.298 người); trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ là đạt 96,7% (175.579/181.561 người).
Qua học tập nâng cao trình độ, số CBCCVC đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm năm 2019 có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin là 16.750 người, đạt tỷ lệ 82,4%, đến hết năm 2020 đạt 100%.
Số CBCCVC có trình độ ngoại ngữ bậc 2 hoặc tương đương trở lên là 11.607 người, đạt 57,1%; số CBCCVC có trình độ ngoại ngữ bậc 3 hoặc tương đương trở lên là 1.932 người, đạt tỷ lệ 9,5%, hết năm 2020 đạt 15%.
Số công nhân lao động có kiến thức cơ bản về tin học là 1.250 người, chiếm 3,2%; ngoại ngữ 1.950 người, chiếm 5%.
Hết năm 2019, 98,9% CBCC cấp tỉnh, cấp huyện (1.764 người) qua đào tạo đã đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Tỷ lệ CBCC cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc đạt 68,94%, hết năm 2020 là 100%.
Số cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định là 2.139 người, đạt 96,51%. Từ Đề án, tỷ lệ lao động của tỉnh được đào tạo đạt 63,2%, trong đó đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 42,6%.
Trên 75% số lao động đang làm việc tại doanh nghiệp đã qua đào tạo nghề (bao gồm lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ từ 1 tháng trở lên). 100% cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh, học viên, sinh viên với các hình thức khác nhau, phù hợp với từng lứa tuổi và tăng qua các năm. Qua đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên thực hành vận dụng kỹ năng sống tại cộng đồng đạt khoảng 60%...
Để triển khai hiệu quả Đề án 89 trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó quyết định là việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của toàn xã hội đối với nhiệm vụ xây dựng XHHT.
Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp đổi mới, đưa Yên Bái ngày càng phát triển.
Nguyễn Đình