Trường TH&THCS Phan Thanh: Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục
- Cập nhật: Thứ ba, 24/11/2020 | 10:12:23 AM
YênBái - Những năm qua, Trường TH&THCS Phan Thanh, huyện Lục Yên luôn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn của tập thể cán bộ, giáo viên, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, khắc phục mọi khó khăn, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Giờ học Tiếng Việt của cô và trò Trường TH&THCS Phan Thanh.
|
Trường TH&THCS Phan Thanh nằm ở vùng khó khăn, với khoảng 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Trước đây, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc học tập của con em, thêm vào đó giao thông đi lại khó khăn, số học sinh ở xa trường thường xuyên nghỉ học khiến tỷ lệ chuyên cần thấp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục.
Trước thách thức đó, các thầy cô nhà trường luôn trăn trở làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương, từ đó, thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân đối với việc học của con em mình. Nhà trường xác định, để nâng cao chất lượng giáo dục trước tiên phải giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học. Và với nhiều giải pháp tìm sự đồng thuận, tin tưởng của phụ huynh học sinh; kịp thời động viên, khen thưởng học sinh nghèo vượt khó… những năm gần đây, tỷ lệ chuyên cần của nhà trường đã đạt 100%, chất lượng giáo dục dần được nâng lên.
Năm học 2019 - 2020, Trường TH&THCS Phan Thanh có 11 lớp trong đó có 7 lớp bậc tiểu học và 4 lớp bậc THCS với trên 300 học sinh. Do đặc thù của địa phương, bên cạnh việc bám sát nội dung, kế hoạch chung của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường tiếp tục tinh giản những nội dung giảng dạy vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; xây dựng kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường luôn tích cực giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thông qua việc tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa bổ ích như: dạy kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống đuối nước, hội thi kể chuyện về Bác, tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ...
Thầy giáo Tạ Hùng Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng học tập cho học sinh, nhà trường chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên nòng cốt các môn học, động viên giáo viên nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, ủng hộ những phương pháp dạy học mới đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp của giáo viên và học sinh để xây dựng môi trường học tập tốt nhất”.
Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã phân công chuyên môn phù hợp với năng lực của từng cá nhân và có sự phối hợp giữa giáo viên cốt cán và giáo viên trẻ; khuyến khích, động viên giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Đồng thời, tổ chức giao lưu, trao đổi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm về phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi với các trường bạn; khuyến khích giáo viên sưu tầm tài liệu bồi dưỡng hay, tích luỹ các đề thi học sinh giỏi để cùng trao đổi trong các buổi sinh hoạt chuyên môn hoặc chuyên đề; tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia các lớp học nâng cao trình độ, bồi dưỡng theo chuyên đề. Tuy cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, song tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn luôn nỗ lực hoàn thành tốt công tác giảng dạy.
Cô giáo Phạm Thị Phương Nam - giáo viên nhà trường chia sẻ: "Trong quá trình giảng dạy trên lớp, chúng tôi luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy, gần gũi với học sinh, lựa chọn bài giảng ngắn gọn theo phương châm lý thuyết đi đôi với thực hành, đưa ra nhiều ví dụ cụ thể, giúp học sinh dễ hiểu và nhớ lâu”.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sát với thực tế mà chất lượng giáo dục của Trường TH&THCS Phan Thanh không ngừng được nâng cao. Tỷ lệ học sinh chuyên cần, học sinh khá, giỏi năm sau cao hơn năm trước… đó là nguồn động lực to lớn để tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường cố gắng vươn lên, đạt nhiều kết quả tốt trong sự nghiệp trồng người.
Bùi Minh
Tags Trường TH&THCS Phan Thanh Lục Yên cao chất lượng giáo dục
Các tin khác
Chống Tàu - một trong những bản người Mông xa nhất, khó khăn nhất của xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu với trên 80% là hộ nghèo, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Đây là một trong hai điểm trường lẻ duy nhất bậc tiểu học của ngành giáo dục huyện Trạm Tấu chưa được sáp nhập về điểm trường chính do điều kiện giao thông cách trở, địa hình chia cắt.
Từ năm học 2014-2015 đến năm 2019-2020, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức 6 cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh với tổng số 338 dự án tham gia.
Với 38 tuổi đời, 14 năm tuổi nghề, Phó Trưởng khoa Điện, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái Bùi Thái Sơn đã dẫn dắt hàng trăm học trò ở vùng cao Tây Bắc trưởng thành, giúp các em thay đổi nhận thức; rời xa hủ tục lạc hậu, có nghề nghiệp ổn định và sống được bằng nghề.
Thầy Đặng Quyết Chiến – giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Thác Bà, huyện Yên Bình vừa vinh dự là 1 trong 99 gương mặt tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2020 do Trung ương Đoàn TNCSHCM trao tặng vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 tối 19/11 vừa qua tại Hà Nội.