Với phương pháp lấy trẻ làm trung tâm, các cô giáo đã tạo điều kiện, cơ hội để trẻ chủ động khám phá, sáng tạo và hoạt động. Các bé được trải nghiệm và nhập vai qua các góc học tập như: góc bé tập làm người lớn, góc đọc sách, góc nghệ thuật, góc xây dựng... giúp cho các bé cảm thấy thích thú, bạo dạn, tự tin và phát huy được năng khiếu, sở trường của bản thân.
Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016 - 2020” đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực đó.
Cô giáo Nguyễn Tuấn Anh - Tổ trưởng tổ chuyên môn mẫu giáo 4 tuổi cho biết: "Để thực hiện hiệu quả chuyên đề, chúng tôi luôn cố gắng học tập, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức trang trí lớp học theo hướng mở. Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn coi trẻ như con của mình, lấy trẻ làm trung tâm trong mọi hoạt động và thực hiện đổi mới phương pháp trong từng tiết học. Nếu như trước kia, việc dạy và học chủ yếu thông qua tranh ảnh thì giờ đây, trẻ được trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động như: đi tham quan, trải nghiệm; tham gia tái hiện các phiên chợ quê, lễ hội truyền thống...”.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chuyên đề, hiệu quả thấy rõ nhất, được phụ huynh và xã hội thừa nhận đó là sự thay đổi mau lẹ về môi trường nhà trường theo hướng xanh - sạch - đẹp - thân thiện với trẻ. Khuôn viên ngoài lớp học được bao phủ bởi cây xanh, thảm cỏ, hoa nở quanh năm, tạo điều kiện cho trẻ hòa mình vào thiên nhiên, tự do khám phá và phát triển vận động. Bên cạnh đó, nhà trường cũng trang bị các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong và ngoài lớp học, nhất là đồ chơi tự làm phong phú, đa dạng, mang tính mở, đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ.
Cô giáo Vũ Thị Hương Giang - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Hàng năm, nhà trường đều có kế hoạch tổ chức tuyên truyền các nội dung về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm; sự phát triển toàn diện của trẻ ở lứa tuổi mầm non, sức khỏe về thể chất và sức khỏe về tinh thần; sự hỗ trợ của các bậc phụ huynh về xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, các biện pháp chăm sóc giáo dục mà phụ huynh có thể kết hợp khi trẻ ở nhà…".
"Cùng với đó, nhà trường cũng huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng môi trường hoạt động giáo dục nhằm phát triển toàn diện cho trẻ. Đặc biệt, chúng tôi luôn đổi mới trong xây dựng kế hoạch giáo dục, phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức, sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện chuyên đề. Từ đó, đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ và lấy kết quả đó để điều chỉnh kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của nhà trường”, cô Giang cho biết.
Qua khảo sát đánh giá sự phát triển của trẻ, nhìn chung trẻ đã có nhiều chuyển biến rất rõ nét cụ thể: 98% trẻ đến trường có kỹ năng giao tiếp với cô giáo, ông bà, bố mẹ, người lớn và bạn bè. Trẻ được trực tiếp trải nghiệm, khám phá, tìm tòi, biết quan sát và lắng nghe, biết đặt câu hỏi, biết suy nghĩ, liên tưởng phù hợp khả năng của trẻ khiến trẻ thích thú, mạnh dạn, tự tin, tự mình khám phá, tự mình tham gia thực hành theo ý tưởng của trẻ ở đủ 5 lĩnh vực phát triển. Trẻ ngày càng hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động, các kỹ năng học tập cần thiết, được rèn luyện thường xuyên, tạo nền tảng tốt khi trẻ bước vào lớp 1.
Từ những kết quả đạt được đó, mới đây, Trường Mầm non Bông Sen, thành phố Yên Bái đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016 - 2020” tại Hội thảo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề.
Thu Trang