Trải qua 20 năm từ ngày thành lập và đi vào hoạt động (năm 2000), được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; sự phối hợp hiệu quả của các ngành, địa phương, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài (KH - KT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) đã lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, tạo được niềm tin trong nhân dân.
Đến nay, tổ chức Hội khuyến học đã phát triển rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở với gần 2.000 chi hội, trên 400 ban khuyến học, gần 200.000 hội viên, tỷ lệ hội viên/dân số đạt 24%. Các tổ chức Hội đã tập trung vận động học sinh trong độ tuổi ra lớp, nâng cao tỷ lệ học sinh học tập chuyên cần, hỗ trợ giáo dục và xây dựng XHHT.
Vì vậy, 20 năm qua, có hàng trăm nghìn lượt học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế được hỗ trợ, khen thưởng. Hội còn là nòng cốt trong việc vận động hỗ trợ xây dựng nhiều phòng học, phòng công vụ giáo viên và công trình phụ trợ; tặng máy vi tính cùng nhiều tủ sách khuyến học, các phương tiện, trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh.
Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh, qua triển khai các mô hình học tập, đến nay, toàn tỉnh có 65% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình học tập”, 62% dòng họ đạt "Dòng họ học tập”.
Hiệu quả các mô hình học tập đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục vùng cao, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đáng mừng hơn, việc xây dựng XHHT gắn với các đề án, chương trình của Trung ương, của tỉnh đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị của cán bộ, công chức, viên chức, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến nay đạt 63,2%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5%.
Từ học tập, trên 80% lao động có việc làm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 32,21% (năm 2015) xuống còn 7,05% năm 2020; giảm tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp từ 81% (năm 2010) xuống còn 59,9% (năm 2020). Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động ở nông thôn được cải thiện, có đóng góp quan trọng để có 76 xã của tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1 huyện (Trấn Yên) được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới…
Từ những thành tích đạt được 20 năm qua, 2 lần Hội Khuyến học tỉnh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; 5 lần được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc; nhiều năm được UBND tỉnh và Trung ương Hội tặng bằng khen; hàng ngàn tập thể, cá nhân tại các cơ sở hội được UBND tỉnh và các cấp, các ngành tặng bằng khen, giấy khen.
Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng là cầu nối, cánh tay nối dài góp phần phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo của địa phương, Hội Khuyến học phấn đấu đến năm 2025: 100% thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang có tổ chức Hội; tỷ lệ hội viên đạt trên 25% dân số; hàng năm có 70% số gia đình, 65% số dòng họ, 70% cộng đồng thôn/tổ dân phố, 90% số đơn vị cấp xã, 70% số đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh quản lý đạt danh hiệu học tập; trên 60% số xã, phường, thị trấn được đánh giá, xếp loại "Cộng đồng học tập” cấp xã từ khá trở lên; đến năm 2025 có trên 50% số công dân được công nhận "Công dân học tập”, 3 huyện, thị, thành phố được công nhận danh hiệu "Huyện học tập’’; hàng năm có ít nhất 10.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ...
Phát huy những kết quả đạt được, chặng đường tiếp theo, Hội Khuyến học sẽ tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác KH - KT, xây dựng XHHT. Trong đó, chủ động phối hợp tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt Kết luận số 49/KL-TW của Ban Bí thư, Quyết định số 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KH-KT, xây dựng XHHT”.
Các hoạt động KH-KT, xây dựng XHHT sẽ góp phần xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập", xây dựng quê hương Yên Bái trở thành tỉnh khá trong vùng trung du và miền núi phía Bắc theo hướng phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc".
Đình Tứ