Hoàn thành Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp
Trước khi thực hiện Đề án, sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục phổ thông mầm non trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 530 trường, 765 điểm lẻ nằm rải rác ở các thôn, bản, khu dân cư.
Sau khi thực hiện Đề án giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 130 trường và 478 điểm trường, giảm nhu cầu 1.985 người làm việc, số học sinh ra lớp tăng 20.482 học sinh, đặc biệt có trên 10.000 học sinh bán trú được hưởng chính sách theo Nghị định số 116 của Chính phủ, qua đó, giảm bớt khó khăn cho hàng chục ngàn gia đình có con em đi học ở vùng cao, vùng khó khăn.
Hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại trà và giáo dục dân tộc. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 435 dự án thuộc Đề án với tổng mức đầu tư 735,4 tỷ đồng. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả đầu tư từ Đề án, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục dân tộc.
Dấu ấn giáo dục thông minh
Dấu ấn tiếp theo của ngành GD - ĐT Yên Bái trong năm 2020 chính là giáo dục thông minh trong năm Covid-19. Hình thức học trực tuyến thời gian qua được áp dụng rộng rãi. Trực tuyến kết hợp với trực tiếp, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành GD - ĐT đã mang lại những hiệu quả to lớn. Ngành GD - ĐT Yên Bái cũng đã bắt kịp nhanh với giáo dục thông minh.
Theo số liệu của Sở GD - ĐT, trong đợt nghỉ dịch Covid-19, các trường mầm non đã thực hiện hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình trên các nền tảng công nghệ số, xây dựng gần 5.000 video, có 92,5% số trẻ mầm non được tiếp cận với các cơ sở học liệu đó, trong đó, riêng trẻ 5 tuổi được tiếp cận chiếm 96%.
Ở bậc học phổ thông, có 75% học sinh tiểu học, 75,2% học sinh THCS, 98% học sinh THPT được tham gia các hình thức học tập trên các nền tảng công nghệ số; đồng thời, xây dựng được cơ sở học liệu số phong phú với 35 chuyên đề ôn tập lớp 12, 26 chuyên đề ôn tập lớp 9.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018
Tuy là tỉnh miền núi còn khó khăn nhưng mỗi địa phương trong tỉnh Yên Bái đều có những cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Toàn tỉnh có gần 18.000 học sinh lớp 1 ở hơn 580 lớp. Cùng với triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm 2020, ngành GD - ĐT đã đồng thời triển khai xây dựng mô hình trường học hạnh phúc.
Kết quả toàn diện
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, năm 2020, ngành GD - ĐT cơ bản hoàn thành những mục tiêu Chương trình hành động 190 của Tỉnh ủy về lĩnh vực GD - ĐT. Đáng chú ý đã hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc; UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí tạm thời trường học hạnh phúc trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị trường học đã tập trung bồi đắp "Đức - Trí - Thể - Mỹ” cho thế hệ trẻ gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2020 được đẩy mạnh, đến nay, toàn tỉnh có 242 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 17 trường so với năm 2019.
Công tác phân luồng học sinh được chú trọng 58,1% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT 58,1%, 11,4% vào học giáo dục thường xuyên và 23,8% vào học giáo dục nghề nghiệp (vượt 0,3% chỉ tiêu kế hoạch giao), 26,4% học sinh tốt nghiệp THPT vào học đại học, 44,1% học giáo dục nghề nghiệp.
100% các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đã xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy nội dung giáo dục truyền thống văn hóa và lịch sử giáo dục địa phương, học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình học chính khóa (các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc) và các hoạt động tập thể (chào cờ, sinh hoạt lớp), hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp...
Với kinh nghiệm vượt khó của năm 2020, sang năm 2021, ngành GD - ĐT Yên Bái sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, đặc biệt là đối với giáo dục vùng khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.
Thanh Ba