Thấm nhuần quan điểm, gia đình là hạt nhân của xã hội, xây dựng gia đình học tập là yếu tố quan trọng quyết định để xây dựng cộng đồng học tập, xã hội học tập, trên cơ sở các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và thành phố Yên Bái, Hội Khuyến học thành phố Yên Bái đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp cho từng giai đoạn để chỉ đạo từng bước nâng cao về số lượng và chất lượng xây dựng mô hình "Gia đình học tập”.
Ông Nguyễn Vĩnh Truyền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học thành phố cho biết: "Hội quan tâm công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức để nâng cao nhận thức trong các tổ chức hội, cơ quan, nhà trường, cộng đồng dân cư về xây dựng "Mô hình học tập”. Qua làm tốt công tác vận động, có 95,2% tổng số hộ gia đình của thành phố đăng ký đạt "Gia đình học tập”. Hội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các phường, xã gắn kết việc xây dựng "Gia đình học tập” với phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa”.
Cùng đó, Hội Khuyến học thành phố đã ra các quyết định kịp thời để định hướng, khuyến khích, động viên, hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, giáo viên, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố và các trường học thống kê đầy đủ học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ, xây dựng kế hoạch và tham mưu để UBND thành phố có những hỗ trợ kịp thời, đảm bảo không có trường hợp học sinh phải bỏ học do hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Hội phối hợp với Hội Người cao tuổi thực hiện Đề án học tập suốt đời qua các phong trào: "Nuôi lợn nhựa khuyến học”, "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, người cao tuổi gương mẫu giáo dục, nhắc nhở con cháu tiến bộ trong học tập và xây dựng gia đình học tập; quan tâm công tác kiểm tra và khen thưởng từ đó tạo sức lan tỏa trong các nhà trường, cộng đồng dân cư.
Do triển khai đồng bộ các giải pháp, các gia đình trên địa bàn thành phố đã quan tâm đến việc học hành của con em. Trong đó, nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn khắc phục động viên con học tập để chiếm lĩnh tri thức, vươn lên lập nghiệp thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình.
Qua phong trào 98% số hộ gia đình toàn thành phố đạt gia đình văn hóa và gia đình học tập, trong đó xuất hiện nhiều gia đình tiêu biểu như: ông Nguyễn Trung Thiềng, phường Minh Tân; Hà Định, Hà Lâm Kỳ, Nguyễn Đức Mưu, Trần Hồi phường Đồng Tâm; Phạm Thị Thành, Nguyễn Văn Hòa xã Âu Lâu; Đoàn Đức Trường, Phạm Thị Thủy xã Tuy Lộc... có nhiều thành tích xuất sắc trong xây dựng gia đình học tập được Hội Khuyến học thành phố, Hội Khuyến học tỉnh và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khen thưởng.
Là tế bào của xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt, muốn thực hiện được việc xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc cần phải nâng cao nhận thức về xây dựng mỗi gia đình học tập một cách liên tục, bền vững.
Ông Nguyễn Vĩnh Truyền cho rằng: cùng những thành tựu đạt được, mặt trái của cơ chế thị trường, văn hóa ngoại lai đã và đang tác động không nhỏ tới đời sống xã hội, len lỏi tới từng ngõ phố, thôn xóm của làng quê làm ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nếp sống của mỗi gia đình đang dần bị mai một, đạo đức gia đình có nguy cơ xuống cấp.
Vì vậy, căn cứ sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền thành phố và Hội Khuyến học tỉnh, Hội Khuyến học thành phố sẽ triển khai các giải pháp để khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nói chung và gia đình học tập nói riêng tiếp tục phát triển, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Hội mong muốn các cấp, các ngành cần tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo để phong trào xây dựng đời sống văn hóa nói chung với phong trào xây dựng gia đình học tập thời gian tới thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa.
Đình Tứ