Trong giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh đã ban hành các đề án, nghị quyết, kế hoạch, quyết định phát triển giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn.
Theo đó, GDMN từng bước phát triển, hệ thống mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp, điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng được nâng lên.
Toàn tỉnh hiện có 218 cơ sở GDMN, trong đó, có 177 trường mầm non độc lập (công lập 164 trường, ngoài công lập 13 trường); 12 trường phổ thông có nhóm, lớp mầm non; 29 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, tư thục được cấp phép hoạt động. Tổng số có 1.904 nhóm, lớp, với tổng số trẻ đến trường lớp là 56.929 trẻ (trẻ nhà trẻ 8.045; mẫu giáo 48.884).
Trong đó, công lập 1.753 nhóm, lớp với 53.768 cháu trẻ; ngoài công lập 151 nhóm, lớp với 3.161 trẻ; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp nhà trẻ đạt 17%, mẫu giáo đạt 92,3%, trẻ 5 tuổi đạt 99,7%; riêng ở vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ huy động nhà trẻ thấp hơn 2,8%, trẻ mẫu giáo thấp hơn 1,8% so với tỷ lệ chung toàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, GDMN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, số lượng trường, lớp tăng hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường còn thấp.
Xuất phát từ thực tiễn và Quyết định số 1677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2018 - 2025, tại Kỳ họp thứ 20 - HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua Đề án phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025 góp phần nâng cao chất lượng GDMN phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân và tạo điều kiện cho việc thực hiện triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Đề án phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 đã đề ra mục tiêu đó là, củng cố, phát triển giáo dục mầm non với quy mô trường, lớp, đội ngũ giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi nhất để đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa; xây dựng môi trường giáo dục "an toàn, yêu thương, tôn trọng” gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, trong các cơ sở GDMN; nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp 1, phát triển GDMN dưới 5 tuổi.
Đề án phấn đấu đến năm 2025, về quy mô, mạng lưới trường lớp phấn đấu huy động 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp; huy động 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp; huy động tối đa trẻ 4, 5 tuổi ra lớp thực hiện mục tiêu phổ cập. Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, duy trì 100% nhóm, lớp mầm non học 2 buổi/ngày; 95% trở lên trẻ đạt được kết quả mong đợi (lĩnh vực phát triển thể chất; phát triển ngôn ngữ; phát triển nhận thức; phát triển tình cảm - kỹ năng xã hội; phát triển thẩm mỹ) theo độ tuổi; 98% trở lên trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 0,3%/năm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 0,3%/năm; tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì được khống chế.
Đối với đội ngũ giáo viên, phấn đấu có 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019; 100% giáo viên đạt chuẩn theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; 100% cán bộ quản lý đủ tiêu chuẩn trước khi bổ nhiệm; 90% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp từ khá trở lên. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng thực hiện chương trình GDMN phù hợp với địa phương.
Về cơ sở vật chất trường lớp, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 70% trở lên, không còn phòng học tạm, nhờ; đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu cho các nhóm, lớp; đến năm 2025 công nhận thêm 26 trường (trong đó có 12 trường mầm non đạt chuẩn mức độ 2), nâng tổng số trường mầm non đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và trường mầm non đạt chuẩn quốc gia lên 120 trường, đạt 63,4%. Về phổ cập GDMN, duy trì, nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ở 100% đơn vị cấp xã và 9/9 đơn vị cấp huyện.
Đề án phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 sẽ góp phần từng bước tăng tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp hướng tới ngang bằng mức trung bình chung của cả nước và các tỉnh trong khu vực; cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học và các điều kiện nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, Đề án cũng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; từng bước nâng cao trình độ đào tạo của nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới.
Nguyễn Đức