"Chúng em được sinh ra và lớn lên tại vùng lòng chảo Mường Lò, là người bản địa dân tộc Thái, từ nhỏ đã được tiếp xúc với tiếng Thái, với những bản sắc dân tộc Thái nhưng để hiểu rõ hơn được những luật tục, tập quán, những lời răn dạy của người xưa truyền lại thì phải đọc những cuốn sách mà chủ yếu được ghi lại bằng chữ Thái cổ. Bởi vậy, chúng em muốn được hiểu hơn nữa về văn hóa chữ viết của người Thái Mường Lò, đó là chữ Thái cổ” - Vì Văn Mạnh chia sẻ, căn nguyên niềm say mê với chữ Thái cổ của hai bạn trẻ này là thế.
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Phạm Thị Thanh Hiền, Mạnh và Mai đã tìm hiểu, thu thập thông tin, nghiên cứu về chữ Thái cổ qua sách vở, tạp chí, Internet, gặp gỡ nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến, người truyền dạy chữ Thái cổ thầy giáo Lê Thanh Tùng.
Qua đó, Mạnh và Mai biết được rằng, mặc dù dân tộc Thái là một trong 3 dân tộc (Thái, Khơ Me, Chăm) ở nước ta có chữ viết từ rất sớm song do những yếu tố chủ quan và khách quan, việc dạy chữ Thái còn có những hạn chế nhất định. Hiện, số lượng các văn bản cổ ở Yên Bái dùng chữ Thái còn rất ít và được lưu trữ chủ yếu ở một số gia đình, một số thất lạc hoặc bị bán ra nước ngoài.
Mạnh cho hay: "Số người thông thạo chữ Thái cổ Mường Lò không nhiều. Còn lớp trẻ chúng em thì biết nói tiếng Thái nhưng không biết nhiều đến chữ viết. Chính vì vậy, việc tìm hiểu về chữ Thái cổ không những sẽ giúp chúng em hiểu hơn về văn hóa, những tri thức bản địa của dân tộc mà còn góp phần bảo tồn, phát triển nét văn hóa đó”.
Với niềm say mê văn hóa và sự nghiêm túc trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, hai em đã có những hiểu biết khá chi tiết, đầy đủ về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của chữ Thái cổ.
Các em đã hiểu được rằng, cùng sự thiên di tìm miền đất mới và công cuộc chống giặc, mở mang bờ cõi và sự phát triển kinh tế - xã hội của người Thái đen ở Tây Bắc, ngoài việc phát triển nền văn minh lúa nước thì chữ Thái cổ Mường Lò đã hình thành và phát triển từ rất sớm, từ đó góp phần quan trọng vào việc ghi chép, lưu trữ những áng sử thi, những tác phẩm văn học, luật tục... của đồng bào dân tộc Thái.
Chữ Thái cổ thực sự đóng vai trò gìn giữ, bảo tồn văn hoá phi vật thể dân tộc Thái, góp phần khẳng định nền văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng.
Cùng đó, hai em đã có những nghiên cứu kỹ càng về việc khôi phục, bảo tồn chữ Thái cổ hiện nay với các hình thức như: đưa nội dung bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái vào đề án bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch; sưu tầm các tài liệu về chữ Thái cổ; học chữ Thái cổ qua các bài hát Khắp; dạy chữ Thái cổ cho nhân dân và mở các lớp dạy chữ Thái cổ trong các trường học.
Hiểu được nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển chữ Thái cổ Mường Lò, từ đó hai bạn trẻ thêm tự hào và có ý thức cùng khôi phục, bảo tồn, giữ gìn và phát huy chữ Thái cổ.
"Chúng em đã tuyên truyền đến các bạn học sinh việc sưu tầm, tìm hiểu về những cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ ở nơi mình sinh sống, dùng chữ Thái cổ ghi chép lại những câu chuyện dân gian, bài dân ca Thái qua truyền miệng. Càng học, tìm hiểu về chữ Thái cổ, chúng em càng cảm thấy không chỉ đơn thuần để biết văn bản, biết đọc, biết viết mà còn để hiểu biết sâu một nền văn hóa, tính cách, tâm hồn của một dân tộc. Chúng em - những thế hệ nối tiếp sẽ có thể góp phần giữ gìn giá trị văn hóa của chính dân tộc mình” - hai bạn trẻ tự hào về một nét bản sắc văn hóa và tự tin với tình yêu bản sắc văn hóa của dân tộc mình như thế.
Ấy cũng là những niềm tự hào và tự tin cần thiết trong những con người trẻ tuổi để nuôi dưỡng dài lâu những nét văn hóa làm nên bản sắc dân tộc.
Hai em Mạnh và Mai cũng đã thuyết minh về chữ Thái cổ xứ Mường Lò tham dự cuộc thi Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh THCS cấp tỉnh năm học 2016 - 2017 và đạt giải Ba cấp tỉnh, đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia.
Từ những năm học tiếp theo cho đến nay, được sự khuyến khích của Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Nghĩa lộ, các đơn vị trường học đều thúc đẩy gìn giữ, bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương trong đó có chữ Thái cổ dưới nhiều hình thức như các câu lạc bộ học chữ Thái cổ, viết chữ thư pháp…
Điển hình là Trường Tiểu học & THCS Hoàng Văn Thụ với lớp học được mở vào thứ 4 hàng tuần dưới sự giảng dạy của nghệ nhân Lò Văn Biến, ông Lò Tuyên Dung và cô giáo Lò Thị Phương Lợi.
Thu Hạnh