Quan điểm giáo dục mỗi thời mỗi khác, phương pháp cũng cần được thay đổi nhưng thời nào, cách nào thì cũng hướng con người tới Đức - Trí - Thể - Mỹ. Ai cũng mong con cháu mình ngoan, học giỏi và trở thành người tốt nhưng nhiều người lại không muốn con bị phê bình, nhắc nhở, càng không bị phạt khi mắc khuyết điểm.
Đúng, có những thầy, cô giáo sai phạm nhưng đó chỉ là những trường hợp cá biệt, còn đa số đều làm việc với tinh thần trách nhiệm, nếu có trách mắng, phê bình, đôi khi cả phạt cũng chỉ vì mục tiêu răn dạy trẻ. Thật đáng tiếc, chỉ cần có lời trách mắng, chỉ cần áp dụng một vài hình thức xử lý học sinh thì các bậc phụ huynh phản ứng lại rất mạnh, không ít người còn đưa luôn sự việc lên mạng xã hội.
Xin đưa ra vài ví dụ, cô giáo L làm chủ nhiệm lớp mầm non 5 tuổi ở nông thôn. Một mình cô đứng lớp trong khi trẻ ở nông thôn rất nghịch ngợm. Đề phòng trẻ chạy ra ngoài, cô thường xuyên đóng cửa, thế là phụ huynh nói thẳng: "Cô hãy mở ra cho thoáng, còn tiện giám sát, biết đâu các cô bạo hành con tôi!”. Chua xót hơn, có lần, cô L trao đổi với phụ huynh với mục đích phối hợp dạy bảo con thì vị phụ huynh này đưa luôn câu chuyện lên Facebook.
Lớp cô giáo H có một cậu bé rất hay đánh, cắn, cấu bạn, trong đó có cô bé vốn hay ốm. Bữa đó, cậu cắn vào vai cô bé. Cô bé gào khóc. Cô giáo lao vào gỡ hai đứa trẻ ra nhưng quát thế nào thì thằng bé vẫn nghiến chặt hàm răng. Bí quá, cô giáo vớ luôn đoạn nhựa vụt vào mông cậu bé. Cậu bé sợ quá, buông ra rồi chạy về chỗ ngồi.
Cô giáo xót xa dỗ dành cô bé, gọi điện thông báo cho phụ huynh. Mọi việc tưởng thế là ổn thỏa, nào ngờ, chiều hôm ấy, lúc tắm cho con trai mình, vị phụ huynh phát hiện mông con mình đỏ, gọi điện lại cho cô giáo, cô giáo xác nhận. Thế là, sự việc được gia đình đưa lên mạng xã hội và cô giáo H phải chịu không biết bao nhiêu lời bình luận khiếm nhã khiến cô bị trầm cảm. Rất may, vụ việc đã được người có trách nhiệm xử lý kịp thời, bài viết trên mạng được gỡ xuống. Tất cả đều trở lại bình thường.
Mọi người chắc chưa quên vụ việc trẻ mầm non mang theo bật lửa, đến giờ ngủ trưa, châm lửa, đốt váy bạn nằm cạnh, khiến bạn bị bỏng nặng xảy ra tại Yên Bái. Khi vụ việc xảy ra, mọi tội lỗi đều đổ vào cô giáo và hiệu trưởng nhà trường.
Cả hai người đều nhận những hình thức kỷ luật rất nặng. Nhưng ở góc nhìn khác, cô giáo không thể khám xét trước khi trẻ vào lớp; lớp có trên 30 trẻ, lúc cháu ngủ, cô vừa trông vừa soạn giáo án, làm đồ dùng cũng khó phát hiện thằng bé đang nằm lén đốt váy bạn.
Nhận quyết định kỷ luật, cô chua xót: "Chúng tôi chịu trách nhiệm về sự an toàn của trẻ, tôi đã sẵn sàng nhận mọi hình thức kỷ luật nhưng xót xa quá! Mấy chục năm công tác, giờ sắp nghỉ hưu rồi lại gặp chuyện này. Tôi phải chịu rất nhiều áp lực từ dư luận”.
Còn biết bao câu chuyện như bị phụ huynh, học sinh lăng mạ, có khi là hành hung giáo viên ngay trên bục giảng. Những sự việc không đúng sự thật hoặc rất thiếu khách quan… được đưa lên mạng xã hội và cả những tờ báo chính thống. Cần phải nói thêm, thầy cô cũng là con người, trước búa rìu dư luận, trước áp lực, họ rất dễ gục ngã. Tuy vậy, tôi vẫn luôn tin mọi chuyện rồi sẽ trở lại quỹ đạo, vì truyền thống dân tộc ta là tôn sư, trọng đạo, là hiếu học.
Lê Tấn Đạt