Ngành học thiết yếu lại thiếu học viên

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/5/2021 | 2:59:05 PM

Covid-19 càng cho thấy rõ vai trò của lực lượng y tế công cộng trong phòng, chống dịch bệnh. Thế nhưng, năm 2020, có bốn trường không tham gia tuyển sinh ngành này nữa vì những năm trước… không tuyển sinh được. Tình trạng các ngành học thiết yếu nhưng lại thiếu học viên đang xảy ra tại nhiều trường đại học.

Cần có các phương pháp giảng dạy sinh động, cuốn hút sinh viên nhằm tăng hiệu quả đào tạo.
Cần có các phương pháp giảng dạy sinh động, cuốn hút sinh viên nhằm tăng hiệu quả đào tạo.

Thí sinh cả nước vừa hoàn thành thủ tục đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2021. Số liệu về đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ giữa các ngành nghề được thí sinh lựa chọn. Trong tổng số 24 nhóm ngành tuyển sinh năm nay, năm nhóm ngành có tỷ lệ lựa chọn ít là: Khoa học tự nhiên; Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây lại là những ngành truyền thống trong kinh tế của Việt Nam và đang cần một đội ngũ nhân lực chất lượng.

PGS, TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng cho biết: "Tại trường, tỷ lệ sinh viên (SV) nhập học trên chỉ tiêu tuyển sinh chỉ chiếm khoảng 40 - 60%. Trong năm 2020, đã có bốn trường ĐH không tham gia tuyển sinh Ngành Y tế công cộng  nữa vì những năm học trước, họ không tuyển sinh được”. Thực tế, cơ hội việc làm rất rộng mở đối với SV khi học ngành này. Bởi lẽ, cả nước có tới 63 trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) ở các tỉnh thành, hơn 500 huyện đều có trung tâm y tế, hơn 1.000 tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực y tế công cộng và rất cần những nhân lực được đầu tư bài bản.

Nhìn đợt bão lũ năm 2020 tại miền trung, theo các chuyên gia, nếu có dự báo trước của các nhà khoa học địa chất về vấn đề sạt lở thì sẽ có thể giảm rất nhiều những thiệt hại về người và tài sản. Trong khi hiện nay đang rất thiếu người theo học các nhóm ngành như Địa chất, Hải dương, Môi trường - những ngành liên quan tới biến đổi khí hậu ở Việt Nam hoặc trên thế giới. Tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mỗi năm có khoảng 200 chỉ tiêu cho ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường và 250 chỉ tiêu cho ngành Quản lý tài nguyên, nhưng hiện mỗi ngành đã phải giảm đi 100 chỉ tiêu vì không tuyển đủ.

Nhóm ngành Công tác xã hội (Công tác xã hội, Giới và Phát triển, chuyên ngành Tham vấn - Trị liệu) cũng đang rất thiếu nhân lực. SV học xong sẽ dễ dàng có việc làm trong các cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; có thể là chuyên viên làm việc độc lập tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, hoặc cán bộ hoạch định chính sách xã hội; chuyên viên, nghiên cứu viên trong các cơ quan của ngành lao động - thương binh và xã hội… Tuy nhiên, ngành học vẫn không thu hút thí sinh.

TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục ĐH nhận xét: Ngành khoa học cơ bản của nước ta hiện nay đang bị xao nhãng, từ người học đến các nhà quản lý và thiếu đầu tư phù hợp. Bởi các em vào học nhưng tương lai chưa rõ ràng. Mặt khác, còn do việc đào tạo chưa phù hợp yêu cầu thực tế. Chẳng hạn, các trường không cập nhật kịp thời về máy móc thiết bị, kỹ năng sử dụng thiết bị... nên SV ra trường chưa thể hội nhập được ngay. Bản thân các ngành học này cũng hơi khô khan, bó hẹp, chủ yếu đi vào chuyên môn, nên cần phải có những phương pháp giảng dạy sinh động, cuốn hút SV.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ các em học sinh khi lựa chọn nghề nghiệp lại chỉ quan tâm đến: "Nghề nghiệp này có dễ xin việc làm hay không, có thu nhập cao hay không, được làm việc ở thành phố hay không… Ít người chú ý tới nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng, sở trường của bản thân”, TS Phương phân tích. Chính vì thế, nhiều học sinh chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp mà mình yêu thích để lựa chọn một ngành học khác để dễ xin được việc hơn, thu nhập cao hơn, công việc nhàn hơn.

Theo GS, TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQG Hà Nội, các trường bắt buộc phải thay đổi, nhất là đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để thu hút người học. Các trường ĐH không chỉ cung cấp kiến thức khoa học cơ bản mà một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo ĐH chính là mang đến cơ hội việc làm cho SV. Còn PGS, TS Lê Thị Trinh, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội góp ý: Phải thay đổi triệt để chương trình đào tạo, theo hướng liên ngành, tích hợp những môn học ở các lĩnh vực khác nhau để các em khi ra trường không chỉ làm được đúng mỗi một ngành như tên được đào tạo”. 

Để tạo sức hút cho thí sinh, PGS, TS Lê Thị Trinh cho rằng, cần một chiến lược nhân lực tầm quốc gia, nêu rõ nhu cầu, mức thu nhập có thể đạt được của từng nhóm ngành cũng như công tác tuyên truyền hướng nghiệp để giảm bớt độ vênh về ngành nghề đào tạo trong tuyển sinh như hiện nay.

(Theo nhandan.com.vn)

Các tin khác
Ngành giáo dục cần có sự chuyển hóa về chất để đảm bảo

Học thật là nền giáo dục dạy tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức là những gì người học có thể dùng cho công việc, mưu sinh, cho đất nước.

An ninh quốc phòng và Báo chí - thông tin là được thí sinh lựa chọn nhiều nhất năm 2021

Những ngành "hot" nhất, nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển đại học 2021 là: An ninh Quốc phòng (566,82%); Báo chí và thông tin (311,65%), Nghệ thuật 210,7%); Du lịch khách sạn, dich vụ cá nhân (201%)...

Học sinh chỉ được mang vào phòng thi các loại máy tính bỏ túi theo quy định. Ảnh minh họa: Nguồn internet

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có thông báo về danh sách máy tính bỏ túi thí sinh được mang vào phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021.

Tính đến 17h ngày 16/5 - hạn cuối cùng đăng ký xét tuyển đại học trực tuyến năm 2021, tổng số nguyện vọng thí sinh đăng kí là 3,8 triệu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục