Báo cáo về công tác chuẩn bị chấm thi, ông Vũ Dương Uyên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng - Sở GD&ĐT Tuyên Quang, cho biết số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi ở các khâu được bố trí đầy đủ; khu vực làm phách được bố trí biệt lập. Có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy và có công an bảo vệ liên tục 24h/ngày; không có thiết bị thu phát thông tin và hình ảnh; trang bị 1 điện thoại cố định do cán bộ công an quản lý…
Một giám thị chấm thi tại Hội đồng chấm thi Sở GD&ĐT Tuyên Quang cho biết, tỉnh chấm thi môn Ngữ văn từ ngày 11/7. Đến nay đã xuất hiện bài thi đạt 9,25 điểm. Tuy nhiên, trong quá trình chấm, giám thị băn khoăn với đáp án câu hỏi 3 phần "Đọc hiểu”. Theo vị giám thị này, đáp án của Bộ GD&ĐT chỉ có 3 ý nên những thí sinh sáng tạo, giàu cảm xúc sẽ bị thiệt, vì những ý hợp lý mà nằm ngoài 3 ý trong đáp án không có trong biểu điểm.
Tỉnh Lào Cai huy động 141 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi ở các khâu. Công an tỉnh Lào Cai đã cử cán bộ tham gia các ban của Hội đồng thi; bố trí máy áp chế sóng tại khu vực chấm thi; máy kiểm tra thiết bị thu, phát thông tin của cán bộ làm thi trước khi vào khu vực chấm thi; bình chữa cháy tại khu vực làm phách và chấm thi. Các phòng làm việc của Ban Thư ký, Ban Chấm thi trắc nghiệm và Ban Chấm thi tự luận đều có thiết bị camera an ninh giám sát và công an trực bảo vệ 24/24 giờ (cán bộ công an bố trí ăn, nghỉ tại chỗ).
Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, cho biết, trong đợt thi vừa qua, toàn tỉnh có 1 thí sinh thuộc diện F2. Việc chấm bài thi của thí sinh này được tiến hành từ hôm 10/7. Ban Thư ký chủ trì, dưới sự giám sát của các lực lượng thanh tra, công an, y tế, đã tổ chức khử khuẩn bằng tia cực tím các bài thi của thí sinh diện F2 trong khu vực làm phách bài thi tự luận trước khi bàn giao cho Ban Làm phách và Ban Chấm thi trắc nghiệm. Giám thị chấm thi của Lào Cai cũng cho biết, môn Ngữ văn cũng đã có thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên.
Tại Hội đồng chấm thi tỉnh Lai Châu, đối với môn Ngữ văn, giám thị Lê Thị Thảo cho biết, sau khi chấm được 2 túi bài thi, có thể thấy, tỷ lệ bài thi đạt điểm từ trên trung bình vào khoảng 50-60%. Với những bài thi có điểm dưới trung bình, thí sinh thường không làm được những câu gỡ điểm (câu 1, câu 2 của phần "Đọc hiểu”). Đối với phần làm văn, cô Thảo cho hay, đa số thí sinh hiểu yêu cầu của đề bài và đáp ứng được yêu cầu. Một giám thị chấm thi khác cho hay, trong số những bài thi đã chấm, phổ điểm rải đều từ 3 đến trên 8,5 điểm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị, coi thi, chấm thi của các địa phương. Qua khảo sát thực tế tại các địa điểm chấm thi, làm phách, nắm bắt tâm tư của các thầy cô, ông Sơn cho rằng, kỳ thi đã đạt được "3A”: an tâm, an toàn, an ninh.
Học online kéo dài, ảnh hưởng chất lượng thi môn Văn?
Theo thông tin riêng của Tiền Phong, kết quả bài thi môn Ngữ văn của thí sinh ở TPHCM không cao, phổ điểm chủ yếu dao động từ 5-7 điểm. Một giám khảo nói rằng, qua 3 ngày chấm thi, đa số thí sinh chỉ đạt điểm trên mức trung bình, phổ biến từ 5,25-5,7 điểm; rất ít mức điểm khá từ 6,5-7,75 điểm, dù đề thi không quá khó.
"Có thể là do việc học online kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng tự học của học sinh. Kế đó, từ thực tế các bài làm của học sinh có thể nhận thấy, rất nhiều em đã học tủ, học vẹt, thậm chí là sa đà vào việc đoán đề, thiếu và yếu kỹ năng làm bài...”, giáo viên này đánh giá. Một giám khảo khác nói rằng, học trực tiếp sẽ có sự tương tác lớn giữa thầy trò, việc phân tích văn học sẽ sinh động và gần gũi hơn.
(Theo TP)