Mặc dù thực tế lướt qua cũng có thể thấy các luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ của nhiều lĩnh vực có sự khác nhau không nhiều về chất lượng. Nhiều luận án tiến sĩ chỉ như luận văn thạc sĩ nối dài. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu hệ thống để có kết luận khách quan về chất lượng luận án tiến sĩ (TS) thấp và nguyên nhân. Ở đây tôi chỉ xin bàn về 2 điều: Thời gian đào tạo và Đánh giá luận án.
Thời gian đào tạo không phù hợp với nhiều lĩnh vực
Theo đó, thời gian đào tạo tiến sĩ vẫn là 3 - 4 năm tùy từng đối tượng (có bằng thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học) theo quy định tại Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, thí sinh chỉ được phép gia hạn tối đa là 2 năm; Như vậy, tổng thời gian đào tạo tiến sĩ là theo Quy chế mới từ 5 - 6 năm kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh (NCS), rút ngắn hơn 1-2 năm so với Quy chế cũ.
Một số điểm cho thấy thời gian quy định chung cho các lĩnh vực là không phù hợp thực tế nghiên cứu và gây khó khăn cho người học, vì trong 3 - 4 năm đó học viên phải làm rất nhiều việc; cụ thể:
Trong 3 - 4 năm đó, học viên phải học một số chuyên đề Tiến sĩ. Ngoài ra, với những học viên đã có bằng Thạc sĩ chuyển đổi chuyên ngành và những sinh viên Giỏi, Xuất sắc được tuyển thẳng NCS còn phải học bổ sung một số chuyên đề Thạc sĩ của chuyên ngành mới. Nếu học tập trung cũng thường mất 6 tháng liên tục (đối với Thạc sĩ chuyển đổi chuyên ngành) hoặc 12 tháng (đối với sinh viên được chuyển tiếp NCS).
Để có kết quả có thể viết được bài báo chất lượng thì cần có quá trình nghiên cứu đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Với nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học thực nghiệm, liên quan đến thực tế như Sinh học, Nông nghiệp phụ thuộc vào chu kì sinh học của đối tượng nghiên cứu, thời vụ của các cây/con, phụ thuộc vào thời tiết, bệnh dịch,…
Lĩnh vực Hóa học, Dược học cần nghiên cứu thử nghiệm, đánh giá tác động của các chất với đối tượng được khảo sát qua nhiều công đoạn phải xem xét tác dụng và các tác dụng phụ không mong muốn (Đơn cử như việc thử nghiệm vacine ngừa Covid hay các loại dược phẩm, vật liệu,..), thì phải cần nhiều năm mới có thể đánh giá được độ tin cậy của các kết quả.
Với lĩnh vực Khoa học giáo dục (chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học khi đánh giá hiệu quả của các biện pháp tác động đến học sinh/người học cần được khảo sát qua nhiều đối tượng, cần có quá trình thực nghiệm lặp đi lặp lại trên nhiều đối tượng tại các vùng miền qua nhiều năm thì mới có thể đánh giá tính khả thi của giải pháp.
- Để có 1 công bố quốc tế có uy tín, từ khi gửi bài đến khi được chấp nhận đăng thông thường phải mất không dưới 6 tháng.
- Để hoàn thành việc viết luận án cũng thường đòi hỏi thời gian từ 6 tháng đến 12 tháng.
Với những lĩnh vực thuần túy lí thuyết hoặc đối tượng nghiên cứu không phụ thuộc thời gian, thì việc giới hạn 3 hoặc 4 năm có thể thực hiện được mặc dù cũng rất khó khăn. Đối với các lĩnh vực thực nghiệm thì không thể hoàn thành trong 3 - 4 năm mà có kết quả tốt để các tạp chí uy tín quốc tế chấp nhận đăng.
Nếu không hoàn thành trong 3 -4 năm, hiển nhiên học viên bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ, phải "xin gia hạn". Muốn hoàn thành "đúng hạn", thì những kết quả nghiên cứu thiếu tính thực tế là điều thấy rõ, chưa kể có những trường hợp có kết quả không thật, do đó không thể có công bố quốc tế là điều dễ hiểu.
Thẩm định chất lượng luận án
Tại điều 20 có quy định về việc "kiểm tra hồ sơ quá trình đào tạo, thẩm định chất lượng luận án do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện". Tuy nhiên quy định này còn rất chung chung, và chưa chỉ ra lí do cần thẩm định lại luận án, vì các báo cáo đều rất hoàn chỉnh, đúng quy định. Việc kiểm tra xác xuất cũng sẽ có những kẽ hở phụ thuộc người phụ trách công việc này.
Phản biện độc lập/kín
Trong thực tế, các chuyên gia trong từng lĩnh vực đều biết khá rõ những người trong cùng chuyên ngành, thậm chí đã từng được mời tham gia các seminar, hội thảo khoa học trong đó báo cáo là NCS. Mặt khác, hiện nay các tạp chí đều có phiên bản online, do đó nếu muốn biết tác giả bài báo thì không khó. Vấn đề là tư cách của người phản biện kín.
Trong thư mời phản biện kín, cơ sở đào tạo đều yêu cầu không tiếp xúc với NCS dưới bất cứ hình thức nào. Tôi nghĩ các nhà khoa học chân chính sẽ làm vậy dù biết NCS, người hướng dẫn.
Vì vậy, không cần xóa tên tác giả bài báo, tên NCS khi gửi hồ sơ luận án để phản biện kín. Nếu cần thiết, chỉ cần giữ bí mật thông tin về người phản biện kín đối với NCS và người hướng dẫn.
Bên cạnh việc ủng hộ người hướng dẫn và NCS phải có công bố quốc tế như rất nhiều ý kiến đã nêu (GS Ngô Việt Trung, GS Lê Huy Bắc,…), tôi xin đề nghị như sau:
Thứ nhất, cần có những nghiên cứu, khảo sát để có những quy định phù hợp về thời gian đào tạo cho các lĩnh vực cụ thể, giúp học viên không phải rơi vào tình thế khó khăn: đã rất cố gắng nhưng vẫn bị coi như không hoàn thành nhiệm vụ, phải xin gia hạn. Và điều quan trọng hơn là chất lượng luận án không thể tốt được do thời gian nghiên cứu quá ngắn.
Nên chăng chỉ quy định thời gian đào tạo tối đa không quá 6 năm. Những người nghiên cứu khoa học nghiêm túc thường cố gắng hoàn thành càng sớm càng tốt cho sự nghiệp của họ. Và không có kéo dài nữa. Tất nhiên, không cấm NCS bảo vệ luận án sớm nếu có kết quả tốt.
Thứ hai, Nên chăng cần có quy định bắt buộc việc thẩm định lại luận án đối với tất cả các luận án đã được các hội đồng thông qua, kèm theo đó ràng buộc trách nhiệm của phản biện kín và hội đồng chấm luận án tiến sĩ.
Vì thực tế có những luận án chất lượng rất thấp, nhưng do nể nang nên các phản biện kín (vì biết NCS của ai hướng dẫn) và hội đồng vẫn thông qua. Nếu quy định như vậy, bắt buộc các phản biện kín và các hội đồng chấm luận án phải làm việc khách quan.
Nếu các luận án đều được thẩm định lại thì các phản biện kín cũng như ở các hội đồng chấm luận án tiến sĩ sẽ không còn hiện tượng nể nang nữa. Như vậy tự chất lượng luận án sẽ phải được nâng cao. Khi đó việc có công bố quốc tế sẽ hiển nhiên đạt được.
Tuy nhiên, khi thêm công đoạn này sẽ phát sinh thêm một ít kinh phí. Nhưng nếu vì thế mà nâng cao chất lượng của các tiến sĩ thì chắc là cần thiết và xứng đáng.
(Theo Dân Trí)