Chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi: Gắn với chất lượng và hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/7/2021 | 12:36:49 PM

Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) sau chỉnh sửa có nhiều yêu cầu về nội dung nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Giờ chơi, các cô giáo Trường MN Yên Ninh (TP Yên Bái) luôn khuyến khích sự sáng tạo ở trẻ (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).
Giờ chơi, các cô giáo Trường MN Yên Ninh (TP Yên Bái) luôn khuyến khích sự sáng tạo ở trẻ (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát).

Đổi thay hướng đến chất lượng

Nhà giáo Ưu tú Đặng Lộc Thọ - Ủy viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia phát triển nguồn nhân lực, cho rằng: Triển khai thực hiện Chương trình GDMN sau sửa đổi, cần bổ sung công tác tham mưu, chuẩn bị các điều kiện.

Để thực hiện việc này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành danh mục dịch vụ trong cơ sở GDMN công lập theo quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển GDMN và Nghị định số 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở GDMN và cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Đây là căn cứ, động lực quan trọng để các cơ sở GDMN hoạt động hiệu quả và chất lượng hơn.

NGND Lưu Xuân Giới - nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Triều, Quảng Ninh phân tích: Một trong những điều tôi thấy ý nghĩa là việc ưu tiên thực hiện dịch vụ bán trú phù hợp với điều kiện của địa phương; bảo đảm chế độ sinh hoạt cho trẻ được quy định tại Chương trình GDMN và chế độ làm việc của giáo viên mầm non theo quy định. Thực hiện được điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ.

Đặc biệt, yêu cầu thực hiện đúng chế độ làm việc cho giáo viên mầm non rất quan trọng, bởi hiện giáo viên mầm non thường xuyên làm quá giờ nhưng lương thấp, không bảo đảm cuộc sống. Thực tế cho thấy, khi người lao động cảm thấy thoải mái, không bị áp lực với công việc và thu nhập bảo đảm sẽ thực hiện tốt hơn chức trách của mình.

GS.TS Thái Văn Thành - đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An, cho biết: "Nghệ An ủng hộ và quyết tâm thực hiện Chương trình GDMN sửa đổi đúng theo yêu cầu thực tế đề ra. Chúng tôi sẽ chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD&ĐT, cơ sở GDMN tham mưu chính quyền các cấp có giải pháp bảo đảm các điều kiện về cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động của cơ sở GDMN; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, thiết bị dạy học.

Chúng tôi sẽ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để huy động đa dạng các nguồn lực, bảo đảm các điều kiện để nâng cao chất lượng chương trình. Tôi tin rằng, những đổi thay tích cực này đã và đang hướng đến người học, điều này chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ trong các nhà trường”.

Tăng cường các biện pháp

Nhà giáo Vi Bích Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: TP Hạ Long có biển, đất liền, có trung tâm kinh tế - xã hội phát triển nhưng không ít vùng núi, khu vực đồng bào dân tộc còn khó khăn. Nuôi dạy trẻ mầm non chất lượng là yêu cầu hàng đầu của ngành.

Thời gian qua, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDMN triển khai Kế hoạch thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Chúng tôi cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong thực hiện Chương trình GDMN.

Là tỉnh miền núi đa dạng về địa bàn dân cư, bà Tô Thị Ánh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Để hiện thực hóa Chương trình GDMN sửa đổi, chúng tôi sẽ hướng dẫn các cơ sở GDMN tổ chức có hiệu quả hoạt động chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1 theo hướng liên thông với Chương trình tiểu học.

Cùng với đó, ngành tổ chức thực hiện có chất lượng Chương trình GDMN phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở GDMN và đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Đặc biệt, chúng tôi tăng cường tổ chức hoạt động giáo dục bằng phương pháp thực hành, trải nghiệm, các hoạt động giáo dục phát triển nhận thức, ngôn ngữ. Ngoài ra, ưu tiên chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi làm quen với việc học đọc, học viết được quy định tại Chương trình GDMN.

Cô Nguyễn Thị Băng – Hiệu trưởng Trường MN Yên Ninh, TP Yên Bái  cho rằng: "Ban giám hiệu và giáo viên trong trường đều đánh giá cao những đổi mới tích cực của chương trình. Thời gian qua, nhà trường đẩy mạnh hoạt động nuôi dạy gắn với nội dung đổi mới. Giáo viên có nhiều đổi mới sáng tạo về phương pháp chăm sóc và giáo dục trẻ. Qua các hoạt động hàng ngày, hoạt động lễ hội, tham quan, trẻ hứng thú trong từng hoạt động”.

Trường cũng chỉ đạo giáo viên sử dụng phối hợp các phương pháp hợp lý, tăng cường tính chủ động, tích cực của trẻ, bảo đảm trẻ "học bằng chơi, chơi mà học”. Phương pháp hỗ trợ theo hướng mở rộng được quan tâm để khuyến khích trẻ sáng tạo. "Chúng tôi đặc biệt chú trọng hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo ra cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực, phù hợp với nhu cầu, hứng thú và sự phát triển của từng cá nhân; giúp trẻ có cơ hội được bộc lộ hết khả năng của riêng mình”, cô Băng nói.

Tâm đắc với những yêu cầu, quy định trong công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình GDMN sau sửa đổi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, ông Vũ Đức Thọ chia sẻ: "Chúng tôi ủng hộ việc trao quyền chủ động cho cơ sở GDMN, giáo viên trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung, phương pháp giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với quan điểm, mục tiêu của Chương trình GDMN. Tới đây, Nam Định sẽ đẩy mạnh hoạt động cho trẻ tìm hiểu về môi trường ở trường tiểu học thông qua các hoạt động tập thể, vui chơi, lao động, tham quan cũng như quán triệt không dạy trẻ em mầm non học trước chương trình lớp 1”.

(Theo giaoducthoidai.vn)

Các tin khác
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)

Đợt 2 của kỳ thi sẽ được tổ chức vào các ngày 6 và 7/8 như dự kiến trước đó cho các thí sinh chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 trong các ngày 7, 8/7/2021.

Hình ảnh tại các điểm cầu các địa phương

Nhiều sở GD&ĐT có thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 2 đã xin ý kiến UBND tỉnh và đề xuất tổ chức thi đợt 2 vào đầu tháng 8 tới đây.

Ảnh minh họa

Bài viết của PGS.TS. Phạm Văn Hoan -nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Trường THCS Ngư Lộc

Sự việc hàng chục giáo viên sửa điểm cho học sinh tại Trường THCS Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc) đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chỉ đạo xác minh, xử lý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục