Giáo dục thông minh là một xu thế của giáo dục hiện đại, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của đời sống xã hội và đáp ứng những yêu cầu đào tạo công dân thông minh để xây dựng thành phố thông minh, quốc gia thông minh. Giáo dục thông minh đã và đang tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến giáo dục.
Trên cơ sở tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT), ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái đang đổi mới toàn diện, có nhiều giải pháp xây dựng nền giáo dục thông minh phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Tuy còn nhiều khó khăn, song những năm qua, ngành đã triển khai rất nhiều ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và giảng dạy. Giáo viên và học sinh đã biết khai thác các nền tảng công nghệ trong việc dạy và học, bước đầu tiếp cận với giáo dục thông minh.
Với tinh thần tiến công không ngại khó, thực hiện ngay những việc có thể làm được trong tầm tay, các thầy cô, cán bộ ngành GD&ĐT chuẩn bị tâm thế tiếp nhận một "kỷ nguyên mới” trong sự nghiệp giáo dục. Trong đó việc đầu tiên là phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, xem đây là nhiệm vụ then chốt. Thúc đẩy ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động quản trị và giảng dạy của nhà trường.
Năm học 2020-2021 ngành GD&ĐT tỉnh đã tích cực triển khai, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; cơ sở dữ liệu ngành đã được triển khai tập trung, đồng bộ thống nhất trong toàn tỉnh; 100% cơ sở giáo dục đã thực hiện chế độ báo cáo dữ liệu đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn quy định.
Phần mềm quản lý trường học đã được triển khai tới 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; phần mềm có khả năng kết nối trao đổi dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành. Số điểm điện tử và học bạ điện tử được 100% các trường phổ thông sử dụng. Ngoài ra nhiều cơ sở giáo dục triển khai ứng dụng CNTT kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh và nhà trường.
Thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa, hợp tác với các doanh nghiệp lớn triển khai ứng dụng CNTT, cũng trong năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Yên Bái đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 2 đơn vị viễn thông lớn trên địa bàn tỉnh là Viettel Yên Bái và VNPT Yên Bái.
Qua đó, 2 đơn vị đã hỗ trợ ngành GD&ĐT xây dựng hạ tầng kết nối Internet trường học, xây dựng kho học liệu số dùng chung toàn ngành và triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ sở GD&ĐT.
Từ tháng 6/2020 đến nay đã triển khai sử dụng có hiệu quả phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành tác nghiệp (Voffice) tại cơ quan Sở và các đơn vị trực thuộc Sở; 100% văn bản đi đến đã được xử lý qua môi trường mạng; gửi nhận văn bản trực tiếp đối với UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND cấp huyện; liên thông nhận văn bản với Bộ GD&ĐT và các đơn vị khác...
Đồng thời, khai thác sử dụng có hiệu quả các hệ thống họp trực tuyến phục vụ các cuộc họp, hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn; chất lượng cuộc họp được đảm bảo tốt. Các cuộc họp giữa Bộ GD&ĐT với Sở luôn được đảm bảo; chất lượng kỹ thuật tại điểm cầu Sở luôn đảm bảo chất lượng và được Cục CNTT của Bộ đánh giá tốt.
Nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử, Sở GD&ĐT đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động GD&ĐT, triển khai xây dựng một số phần mềm chuyên biệt phục vụ các lĩnh vực quản lý giáo dục như: phần mềm quản lý cơ sở vật chất, thiết bị được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2020-2021 cung cấp đầy đủ thông tin về hiện trạng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc quản lý, đầu tư cơ sở vật chất hiệu quả, trọng tâm, giảm thiểu đầu tư lãng phí, không đúng mục đích.
Phần mềm Quản lý kiểm định chất lượng giáo dục và đăng ký đạt chuẩn quốc gia đang trong quá trình triển khai xây dựng dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm học 2021-2022 cũng là một công cụ hữu hiệu cho công tác quản lý giáo dục các cấp.
Đặc biệt, ngành đã triển khai E-learning trong giáo dục và khai thác kho học liệu số đáp ứng nhu cầu tự học và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học. Trong thời gian nghỉ học ở trường vì dịch bệnh COVID-19 có 33,9% học sinh THCS, 97,08% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Chất lượng dạy học trực tuyến đã được nâng cao, các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến.
Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường phổ thông theo hướng tích cực hóa, hiện đại hóa; phát huy vai trò của giáo dục STEAM, STEM trong các trường phổ thông; định hướng xây dựng các mô hình giáo dục thông minh; định hướng xây dựng nguồn nhân lực cho giáo dục phổ thông thực hiện định hướng giáo dục thông minh; giáo dục trực tuyến E-Learning, hệ thống thư viện điện tử, thư viện số; mô hình lớp học thông minh; thực hành thí nghiệm tiên tiến hiện đại…
Thanh Ba