Hoàn thành nhiệm vụ, 45 thầy cô được chuyển về xuôi. Lần đầu tiên "đường về” được chính quyền, ngành GD quan tâm, thực hiện là động lực để nhà giáo thêm gắn bó và yêu nghề.
Khó cũng phải làm
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái – ông Trần Huy Tuấn cho rằng: Giải quyết nguyện vọng cho giáo viên chuyển từ vùng cao xuống vùng thấp là việc làm khó khăn, dễ xảy ra tình trạng mất cân đối về số lượng, chất lượng giáo viên giảng dạy ở vùng cao… Song nếu không thực hiện sẽ rất thiệt thòi cho những giáo viên đã xung phong cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao Yên Bái.
Ghi nhận, biểu dương những cống hiến của các nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái giao nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát biên chế ngành GD-ĐT để xem xét nguyện vọng của thầy cô giáo đã có nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao, đạt thành tích xuất sắc trong công tác để sắp xếp, điều động về công tác tại các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian tới.
Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái, ông Vương Văn Bằng cho biết: Những năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chăm lo, phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng. Công tác xóa mù chữ - phổ cập giáo dục được củng cố và nâng cao chất lượng theo hướng bền vững. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đẩy mạnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc, giáo dục vùng khó khăn được đặc biệt quan tâm, phát triển. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú góp phần giữ vững phổ cập giáo dục, ngăn chặn và khắc phục tình trạng học sinh bỏ học tràn lan, hướng tới phát triển giáo dục vùng cao bền vững. Các thầy cô đã làm được những công việc to lớn như vậy, trong đó có nhiều người từ xuôi lên ngược.
Việc chuyển cùng lúc 45 nhà giáo từ vùng khó khăn trở về đồng bằng là nỗ lực to lớn của tỉnh Yên Bái. Trong đó phải kể đến nỗ lực của Sở GD&ĐT - tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến GD-ĐT vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đồng thời ban hành chính sách riêng của tỉnh đối với học sinh dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 36/2016 của HĐND tỉnh về sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp, góp phần giảm điểm trường, tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả quản lý, giảm chi ngân sách. Trong đó chú trọng đến đời sống của cán bộ, giáo viên, cũng như tâm tư nguyện vọng của các thầy cô giáo được luân chuyển sau nhiều năm cống hiến cho giáo dục vùng cao.
Chăm lo giấc ngủ cho HS nội trú Trường PTDT bán trú Tiểu học&THCS Khấu Ly, xã Bản Mù,
huyện Trạm Tấu.
Để yêu và gắn bó với nghề
Bước vào năm học 2020 - 2021, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái có 190 trường, 2.889 lớp, 91.897 học sinh, tỷ lệ học sinh người dân tộc là 63,3%. Nhiệm vụ cho giáo dục vùng cao, vùng dân tộc còn nặng nề, rất cần những nhà giáo bám địa bàn khó. Quan tâm đến đời sống của họ cũng là việc cần làm để động viên các thầy cô yêu và gắn bó với nghề.
Lần đầu tiên 45 thầy, cô giáo được đáp ứng nguyện vọng chuyển từ vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn về nơi công tác mới theo nguyện vọng đợt này, người ít nhất có hơn 10 năm và nhiều nhất trên 22 năm gắn bó với vùng cao. Nói như ông Vương Văn Bằng: Dù khó thực hiện nhưng đây là chính sách có tính nhân văn cao, cần phải thực hiện, là lời cảm ơn đến các thầy cô đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.
Cô Hoàng Thị Tùng Bách, công tác tại xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu phấn khởi cho biết: Hơn 10 năm gắn bó với học sinh người Mông ở xã Tà Xi Láng với bao kỷ niệm thân thương, việc chia tay các em đã để lại trong cô nhiều nuối tiếc. Kể lại câu chuyện gắn bó với GD vùng dân tộc, cô giáo bồi hồi nhớ lại cảm giác ngày đầu tiên ra trường, một cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết đã làm đơn tình nguyện lên dạy học ở vùng khó và đến nay.
"Tôi tự hào đã góp phần nhỏ bé cho phát triển GD vùng cao. Nhớ những gương mặt lấm lem bụi đất nhưng ánh mắt ngời sáng trong mỗi giờ lên lớp. Một lớp học mái tranh nằm lưng chừng núi, đầu giờ học lại vang lên lời ca "Đây đỉnh núi lưng đồi người Mèo ta hát…”. Thật ấm cúng và thân thương!”, cô Bách nói.
Còn thầy Hoàng Thắng tốt nghiệp sư phạm năm 1998, về dạy tại Trường Tiểu học Làng Nhì (huyện Trạm Tấu). Theo thầy Thắng, khoa sư phạm của thầy ra trường năm đó, giáo viên trẻ đều lên huyện Trạm Tấu. Khó khăn lắm nhưng mọi người đều bảo nhau, trong mọi hoàn cảnh phải luôn vững tâm bám trường, bám lớp, kiên trì đến từng bản làng xa xôi để huy động học sinh ra lớp.
Ngoài dạy học, các thầy cô giáo còn là những người chăm lo cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ, giáo dục kỹ năng sống cho các em. Những năm tháng khó khăn này đã hun đúc tình yêu nghề, có nhiều tấm gương trong phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt”, nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng dạy học, góp phần rút ngắn khoảng cách GD miền núi và miền xuôi. Và dù công tác ở đâu, thầy Thắng giữ mãi tình yêu nghề, lửa nhiệt huyết dạy dỗ thế hệ tương lai.
Nhiều thầy cô sinh ra, lớn lên ở vùng thuận lợi được phân công lên vùng cao công tác. Đa số họ đều gắn bó với giáo dục vùng cao từ 10 năm trở lên, có những thầy cô đã cống hiến gần trọn cuộc đời với bản làng. Các thầy cô đã không quản ngại khó khăn, vươn lên đạt thành tích cao trong giảng dạy. Việc luân chuyển giáo viên có nguyện vọng về vùng thuận lợi là việc cần làm, như lời cảm ơn đến các thầy cô đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.
(Theo GD&TĐ)