Mù Cang Chải: Biết thêm con chữ, thêm một niềm hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/8/2021 | 7:24:36 AM

YênBái - Xóa mù chữ sẽ mở ra khả năng tiếp cận với giáo dục cho mỗi người, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Từ chủ trương của Đảng, hàng năm, các địa phương trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đều mở các lớp xóa mù chữ cho người dân. Đây là nỗ lực của chính quyền và ngành giáo dục nhằm cải thiện trình độ và nhận thức, cải thiện tiêu chuẩn sống.

Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ Nhân ái tại xã Dế Xu Phình.
Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ Nhân ái tại xã Dế Xu Phình.

Anh Giàng Chồng Chua ngoài 50 tuổi ở bản Dế Xu Phình vừa mới hoàn thành khảo sát mức độ 1 của Lớp xóa mù chữ Nhân ái tại xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải. Tuy đọc, viết chưa nhanh nhưng anh cùng các anh, chị trong lớp cũng đã đánh vần, đọc chậm được. Anh Chua đã lên chức ông nội nhiều năm nay, các con các cháu trong nhà đều được đi học. 

Anh tâm sự: "Vợ mình cũng được học xóa mù năm ngoái, cũng biết đọc biết viết rồi. Nhà còn mỗi mình chưa biết chữ. Cũng xấu hổ lắm nên phải đi học để còn biết tính tiền mỗi lần đi bán thảo quả chứ không phải nhờ người khác tính hộ”. 

Anh Lý A Chua - bản Ma Lừ Thàng, sinh năm 1978 cũng đã có 2 cháu ngoại, nhưng đến tận bây giờ mới tham gia lớp học xóa mù chữ. Trước đây cũng nhiều lần thầy cô giáo đến nhà vận động nhưng còn phải lo kinh tế gia đình nên anh không tham gia. Song tự nhận thấy việc cần thiết phải học chữ, học tính toán nên anh đã tự nguyện đăng ký học. 

Anh Chua tâm sự: "Đi học thì không ngại nhưng có nhiều việc phải nghĩ, ra đây học rồi lại nghĩ việc trong nhà. Nhà nhiều việc lắm nhưng cũng phải sắp xếp để đi học, để biết cái chữ khi đi bán thỏ, bán thóc còn biết tính toán. Mình không biết chữ, họ trả tiền có đúng không cũng không biết”. 

Là học viên trẻ nhất lớp, chị Mùa Thị Tàng, 29 tuổi ở bản Dế Xu Phình đã gác lại mọi công việc để đi học chữ. Chị Tàng chia sẻ: "Lúc trước con đi học về mẹ không biết con học gì, mẹ xấu hổ với con lắm! Được đi học, được biết chữ, mình vui lắm! Giờ chưa đọc được nhiều nhưng bao cám, bao phân viết gì mình cũng đánh vần được”. 

Với anh Giàng Chồng Chua, Lý A Chua hay chị Mùa Thị Tàng... dù vẫn còn khó khăn trong đọc, viết nhưng đó là bước đi đầu tiên trong nỗ lực tiếp cận ánh sáng của tri thức. Cô giáo Lê Thị Hoàng Yến - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Dế Xu Phình cho biết: "Trong những năm qua, nhà trường phối hợp với các đơn vị tổ chức được rất nhiều các lớp xóa mù chữ nên số người tham gia lớp không còn nhiều. Dạy học cho người trưởng thành gặp nhiều khó khăn đó là việc uốn nắn viết chữ, phát âm đọc nhưng đổi lại các học viên rất kiên trì và các thầy cô rất cố gắng, nỗ lực, kiên nhẫn”. 

Cũng như nhiều địa phương khác, chính quyền xã Dế Xu Phình chỉ đạo quyết liệt trong công tác xóa mù chữ; đồng hành cùng nhà trường trong công tác tuyên truyền vận động người dân học chữ với nhiều cách khích lệ, động viên những học viên. 

Ông Trung A Sồng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Nhờ sự quyết liệt của chính quyền và sự tận tâm của các thầy cô giáo nên so với các địa phương khác trong huyện, số người chưa biết chữ tại xã còn không nhiều. Khi người dân biết chữ, trình độ nhận thức được nâng lên, khi đó tuyên truyền về các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng thuận lợi hơn”. 

Từ năm 2016 đến hết năm 2020, huyện Mù Cang Chải đã thực hiện được 61 lớp xóa mù chữ cho 1.711 học viên và 6 lớp sau biết chữ 195 học viên. Trước năm 2016, tỷ lệ người mù chữ trong độ tuổi 15 đến 60 của huyện còn 27,4%; kết thúc năm 2020, con số này của toàn huyện giảm còn 15,5%. Người dân sau khi tham gia học các lớp xóa mù chữ và sau biết chữ đã mạnh dạn giao tiếp, biết áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, lao động sản xuất và nuôi dạy con cái. 

Quyền được giáo dục là quyền cơ bản của con người, nó gần như là điều kiện để đảm bảo một cuộc sống tốt hơn về nhiều mặt. Mù Cang Chải cũng như các địa phương vùng cao của tỉnh đang nỗ lực cho công tác xóa mù chữ, góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc.
Thanh Ba

Tags Mù Cang Chải hạnh phúc lớp xóa mù chữ dân tộc Mông

Các tin khác
Các địa phương chủ động quyết định thời gian tựu trường năm học 2021-2022 phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho học sinh.

Trước một số ý kiến băn khoăn về khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên quy định mốc thời gian tựu trường của học sinh cả nước sớm nhất vào ngày 1-9-2021 có thể gây khó khăn khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Bộ không quy định "cứng" các mốc thời gian, mà chỉ quy định mốc thời gian "sớm nhất" hoặc "muộn nhất".

Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Sau khi kết thúc bài thi môn Ngữ văn vào buổi sáng, buổi chiều, các em sẽ thi môn Toán, theo hình thức thi trắc nghiệm, thời gian làm bài là 90 phút.

Ảnh minh họa

Sáng 6/8, các thí sinh tham gia đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ làm bài thi môn Ngữ Văn.

Năm học 2021-2022 đang đến gần. Ngoài việc phải chuẩn bị cơ sở vật chất như mọi năm, năm nay, cũng như các trường học khác trên địa bàn tỉnh, tất cả các trường học trên địa bàn huyện Văn Chấn thực hiện thêm nhiệm vụ là chuẩn bị chu đáo các phương án để đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng lâu dài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục