Nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng, đổi mới toàn diện về giáo dục, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn. Trường lớp ngày càng khang trang, nhiều trang thiết bị hiện đại đã được mang tới các trường học xa xôi nhất của tỉnh. Từ đó chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, góp phần xây dựng nguồn lực chất lượng cao.
Đảng ta xác định phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho GD&ĐT là đầu tư cho phát triển. Chính vì vậy, nhiều năm qua, cùng với sự nỗ lực của ngành giáo dục, cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm đầu tư về mọi mặt, nhất là đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị trường, lớp học đáp ứng yêu cầu đổi mới và vì sự phát triển bền vững của sự nghiệp giáo dục tỉnh Yên Bái.
|
Trường lớp khang trang
Đã hơn 30 năm công tác trong ngành GD&ĐT huyện Mù Cang Chải, thầy giáo Lê Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Chế Cu Nha chưa bao giờ thấy sự đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở vật chất giáo dục như giai đoạn hiện nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc trường lớp tại vùng cao ngày càng khang trang hơn.
Thầy Dũng chia sẻ: "Sự thay đổi về cơ sở vật chất của giáo dục Mù Cang Chải như một thước phim chuyển màu từ màu nhạt với những phòng học tạm trong trường học, những phòng học nhờ tại các điểm lẻ đến gam màu tươi sáng trong giai đoạn hiện nay với cơ sở vật chất được đầu tư mạnh mẽ, số phòng học tạm, học nhờ giảm mạnh theo từng năm. Các trường vùng khó được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Chưa theo kịp với vùng thấp, song sự đầu tư đó cũng là mơ ước của các thầy cô vùng cao nhiều năm trước”.
Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha nơi thầy Dũng đang làm hiệu trưởng giờ đã không còn phòng học tạm, những dãy nhà kiên cố 2 tầng mọc lên thay thế cho những dãy nhà xập xệ trước kia đã làm thay đổi diện mạo ngôi trường ở vùng khó. Thêm vào đó dãy nhà bán trú được đầu tư xây dựng mấy năm trước đáp ứng được chỗ ở cho các em học sinh bản xa về học. Rồi bếp ăn, phòng ăn, khu vệ sinh được xây dựng khang trang sạch đẹp đã giúp cho chất lượng sống của học sinh bán trú được cải thiện rất nhiều.
Giờ ra chơi của thầy và trò Trường TH&THCS thị trấn Mù Cang Chải
Thầy Nguyễn Trung Thành – giáo viên nhà trường chia sẻ: "Tôi công tác tại Mù Cang Chải từ năm 1994 đến nay, ngày trước khó khăn lắm, học sinh đến trường ít, các thầy cô giáo rất là vất vả. Song, những năm gần đây được sự đầu tư về cơ sở vật chất các cháu được ăn ngủ tại trường, học sinh đi học đều. Đời sống học sinh bán trú được đảm bảo. Nhiều học sinh còn thích ở trường hơn ở nhà”.
Còn ở Trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu do đặc trưng địa hình, nên các dãy phòng học, phòng ở tại lựa theo thế núi để tọa lạc. Song phòng học, phòng ở của nhà trường đều đã được kiên cố. Các khu lớp học khang trang, khu bán trú được xây mới.
Là một giáo viên hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục của huyện Trạm Tấu, và công tác 8 năm tại Trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu, thầy giáo Ngô Huy Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã chứng kiến sự thay đổi của nhà trường, thay đổi của giáo dục Trạm Tấu trong những năm gần đây. Thầy không khỏi xúc động: "Trước cả thầy và trò đều khổ. Lớp học thì tạm bợ, trang thiết bị thì không có, phòng ở ghép ván gỗ gió rít qua các khe vách lạnh buốt vào mỗi mùa đông. Sau sáp nhập điểm lẻ về điểm chính, nhà trường đươc đầu tư, mở rộng diện tích, các phong ở cho học sinh được đảm bảo hơn, chỗ ăn cho học sinh rộng rãi hơn”.
Theo thông tin từ các phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, trong 5 năm thực hiện chương trình quốc gia về đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi, Trạm Tấu đã xóa được 86 lớp học tạm, xây dựng được 111 lớp học kiên cố đưa tỷ lệ lớp học kiên cố trên toàn huyện đạt 63,2%, tăng 35% so với thời điểm trước; Mù Cang Chải đã xây dựng mới 54 phòng học; 100 phòng ở bán trú, 16 bếp ăn, 37 công trình vệ sinh, 25 công trình nước sạch, mở rộng quỹ đất được 45.815 mét vuông...
Đến nay, toàn tỉnh có 6.614 phòng học, trong đó 85% là phòng học kiên cố (tăng so với năm học trước 2,97%); số phòng học tạm chỉ còn 3,4%; về cơ bản đáp ứng đủ cho học hai ca và đảm bảo được dạy học 2 buổi/ngày ở các cơ sở mầm non, phổ thông. So với năm học 2015 – 2016 tỷ lệ phòng học kiên cố tăng 15,7%, riêng vùng đặc biệt khó khăn tỷ lệ kiên cố đạt 74,4%, tăng 20,8% so với năm học 2015 – 2016.
Sử dụng hiệu quả những gì được đầu tư
Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các trường học được đầu tư mạnh mẽ các thiết bị, đồ dùng phục vụ việc dạy-học và sinh hoạt cho học sinh. Theo thống kê toàn tỉnh hiện có 865 phòng học bộ môn cùng với gần 700 bộ thiết bị phòng học bộ môn; 2.137 máy tính phục vụ giảng dạy và học tập.
Về cơ bản, các trường mầm non có thiết bị dạy học tối thiểu, đồ dùng, đồ chơi ở các điểm trường chính; 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được trang bị máy tính và kết nối mạng internet ứng dụng trong dạy và học. Để chuẩn bị cho năm học mới, những ngày này, các thầy cô giáo Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải mỗi người một công việc sửa soạn phòng ở cho học sinh bán trú, kiểm tra các thiết bị máy móc phục vụ công tác giảng dạy, đồ dùng cho bếp ăn...
Vừa kiểm tra lại bảng thông minh, thầy Lê Văn Hướng – giáo viên tiểu học của Trường PTDTBT TH&THCS Chế Cu Nha vừa chia sẻ: "Từ ngày được đầu tư bảng tương tác, các thầy cô lên lớp không phải in tranh ảnh bảng biểu mà sử dụng trực tiếp trên bảng tương tác, giúp bài học sinh động hơn, đặc biệt là giảng dạy các môn cần nhiều hình ảnh trực quan, thì có nhiều tư liệu hơn, hấp dẫn, thực tiễn hơn... giúp các em phát triển được tư duy. Sau 3 năm được tiếp cận với thiết bị, tôi cùng các thầy cô trong trường đã làm chủ và khai thác tối đa công dụng của thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy. Từ đó, học sinh hứng thú hơn với mỗi giờ học, có cái nhìn đa chiều hơn. Đặc biệt đối với môn tiếng Việt, khi phần lớn học sinh nhà trường đều là người dân tộc thiểu số, bảng tương tác giúp các em ghi nhớ từ tốt hơn nhờ có các hình ảnh trực quan đi kèm”.
Hiện nay, nhà trường có 9 phòng học có bảng tương tác và 2 máy chiếu di động phục vụ cho các hoạt động giáo dục. Để đảm bảo tất cả học sinh trong trường đều được tiếp cận với những thiết bị giảng dạy hiện đại, nhà trường không bố trí cố định các lớp tại các phòng học, mà các lớp được học luân phiên, sắp xếp với các môn học, bài học cần sự hỗ trợ của các thiết bị này hơn cả.
Thày giáo Lê Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Chế Cu Nha chia sẻ: "Hàng năm, chúng tôi rà soát thiết bị dạy học, đồ dùng cho học sinh bán trú, đối chiếu với danh mục của phòng Giáo dục và Đào tạo thông báo, đề xuất danh mục thiết bị cần bổ sung, thay thế và mua mới với phòng Giáo dục và Đào tạo; các thiết bị được cấp trên cấp căn bản đáp ứng nhu cầu sử dụng của trường. Theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo chúng tôi đã xây dựng kế hoạch sử dụng thiết bị, quy chế quản lý, sử dụng thiết bị; hàng năm đều được tập huấn sử dụng thiết bị; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sử dụng thiết bị đảm bảo hiệu quả, khoa học”.
Các thầy cô kiểm tra tủ sấy cơm chuẩn bị đón học sinh trở lại trường
Là một trường học đóng trên địa bàn khó khăn bậc nhất của huyện Trạm Tấu, Trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì trong những năm qua được đầu tư mạnh mẽ cơ sở vật chất cùng các trang thiết bị, nhất là những đồ dùng, thiết bị thiết yếu phục vụ cho công tác bán trú như tủ cơm điện, máy sấy bát đĩa, máy xay thịt, máy thái rau củ quả, tủ đông... Đây chính là bộ đồ dùng nhà bếp được đầu tư đồng bộ ở các trường bán trú trong huyện. Những đồ dùng này đã trở thành công cụ đắc lực trong việc đảm bảo cho bữa ăn bán trú chất lượng và an toàn.
Thầy giáo Nguyễn Danh Trí Quảng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Từ ngày có tủ cơm điện đã không còn bữa sống bữa cháy nữa, không bị dính cháy nồi nên tiết kiệm được thực phẩm. Máy sấy bát đũa đảm bảo vệ sinh cho dụng cụ bếp ăn và bát đũa cho học sinh. Đây là những thiết bị rất thiết thực và hiệu quả nên chúng tôi luôn quán triệt đội ngũ nấu ăn phải bảo quản thật tốt, sử dụng tối đa thiết bị qua đó đã góp phần thực hiện tốt công tác quản lý học sinh bán trú”.
Nhờ sự đầu tư hiệu quả, chất lượng giáo dục của tỉnh đã được nâng lên, nhất là với giáo dục vùng cao có sự chuyển biến rõ nét. Tỷ lệ hoàn thành các chương trình học gần 100%, số học sinh khá giỏi trong các trường tăng lên, duy trì và phát huy được kết quả phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tại các bản xa, vùng khó khăn, đông đồng bảo dân tộc thiểu số vào học tại các trường trung học phổ thông tăng dần… Từ đó nâng cao dân trí, góp phần thay đổi tích cực diện mạo vùng cao.
Thanh Ba