Những lớp học “không biên giới” của giáo viên trước khi bước vào Chương trình GDPT mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/8/2021 | 10:49:07 AM

Tham gia bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình ETEP của Bộ GD-ĐT, giáo viên không chỉ được giao lưu cùng học hỏi với đồng nghiệp trong phạm vi nhà trường mà vươn ra cấp huyện, cấp tỉnh, ngoài tỉnh và gắn kết với các giảng viên ĐH Sư phạm và giáo viên phổ thông.

Việc bồi dưỡng giáo viên tại các nhà trường, giáo viên tự bồi dưỡng được đẩy mạnh để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới. (Ảnh minh họa)
Việc bồi dưỡng giáo viên tại các nhà trường, giáo viên tự bồi dưỡng được đẩy mạnh để chuẩn bị cho chương trình GDPT mới. (Ảnh minh họa)

Để chuẩn bị cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ở nhiều địa phương khi tham gia bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình ETEP của Bộ GD-ĐT, cán bộ, giáo viên các trường phổ thông, ngoài sinh hoạt chuyên môn sôi nổi trong cộng đồng học tập nhà trường, còn tham gia nhiều mạng lưới kết nối với giáo viên tỉnh khác, với giảng viên sư phạm, với tác giả chương trình, tác giả sách giáo khoa… để học hỏi, nâng cao hiểu biết và kiến thức, kỹ năng chuyên môn.

Gắn kết giữa người làm chương trình và người thực thi

Cô Trần Thị Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Ái (huyện Văn Yên, Yên Bái) cho biết, chưa bao giờ, giáo viên có được cộng đồng kết nối phong phú và hiệu quả đến thế.

Cô Thủy cho biết, trước đây, thời thay sách giáo khoa năm 2000, các giáo viên cứ được bồi dưỡng ở cấp tỉnh thì về dạy lại cho cấp huyện, rồi cấp huyện lại dạy cho cấp trường. Tập huấn xong, việc trao đổi chỉ diễn ra trong phạm vi trường học hoặc rộng nhất là cụm trường. Có thắc mắc gì, giáo viên phản ánh lên tổ chuyên môn, tổ không giải quyết được thì báo với trường, rồi trường báo với Phòng GD-ĐT. Cứ như thế, sự gắn kết, hỗ trợ giữa đông đảo giáo viên trong huyện/tỉnh, chứ chưa nói đến phạm vi ngoài tỉnh là rất ít. Kết nối giữa giáo viên với giảng viên sư phạm, đặc biệt là với những người trực tiếp làm chương trình, tác giả sách giáo khoa… dường như chưa có bao giờ.

Khi tham gia 3 modul bồi dưỡng giáo viên cốt cán của Chương trình ETEP do Bộ GD-ĐT tổ chức, cô Thuỷ cùng nhiều đồng nghiệp các trường khác được học tập trực tiếp với chuyên gia, giảng viên của các trường sư phạm, không ít trong đó là tác giả của chương trình, tác giả sách giáo khoa.

Sự tương tác giữa giáo viên với giảng viên này không chỉ gói gọn trong 3 ngày làm việc trực tiếp mà còn kéo dài sau khi kết thúc khoá học. Bất cứ khó khăn gì trong quá trình vận dụng kiến thức vào thực tế triển khai, thậm chí cả những vướng mắc khác khi giảng dạy, giáo viên đều có thể tìm sự hỗ trợ từ giảng viên sư phạm. Đó không chỉ là các cuộc gọi điện thoại riêng mà còn có thể là những trao đổi, thảo luận chung trong nhóm Zalo, Facebook của các giáo viên cùng bồi dưỡng với giảng viên đó, để tất cả cùng học tập, rút kinh nghiệm.

"Hoạt động bồi dưỡng không chỉ nâng cao đáng kể chất lượng chuyên môn cho giáo viên mà còn gắn kết các thầy cô trong những nhóm học tập. Cộng đồng giáo viên cùng học tập và hỗ trợ phát triển này không chỉ còn bó buộc trong phạm vi nhà trường mà mở rộng ra cả nước, với cả các nội dung chuyên môn khác ngoài bồi dưỡng theo modul”, cô Thuỷ nói.

Cô Thủy cho biết thêm, đến giờ nhóm giáo viên cốt cán tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… mà cô tập huấn cùng vẫn trao đổi thường xuyên để hỗ trợ lẫn nhau.

Hình thành cộng đồng học tập tại chỗ

Trường Tiểu học Thị Trấn (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá) có 34 cán bộ, giáo viên. Từ năm 2020, cũng như gần 1 triệu cán bộ, giáo viên đại trà khác trên cả nước, các thầy cô trường tiểu học Thị trấn bắt tay vào tự bồi dưỡng các modul về Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Cô Nguyễn Thị Lựu, giáo viên của trường Tiểu học Thị Trấn cho biết, cô cùng nhiều đồng nghiệp khác được bồi dưỡng tập trung tại trường. Các giáo viên được phân nhóm theo từng môn học, cứ buổi chiều hoặc dịp cuối tuần, các nhóm giáo viên lại tụ họp ở trường để cùng vào hệ thống quản lý học tập trực tuyến nghiên cứu tài liệu và thảo luận những vấn đề còn băn khoăn. Những buổi bồi dưỡng tập trung như thế, luôn có sự tham gia để cùng hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc của Phó Hiệu trưởng chuyên môn nhà trường.

Tổ chuyên môn, ngoài sinh hoạt đều đặn 2 tuần/lần, tổ chức dự giờ, thăm lớp, thì bất cứ khi nào phát sinh vấn đề cần thống nhất về chuyên môn giảng dạy trong quá trình áp dụng kiến thức được bồi dưỡng vào thực tế triển khai, các thành viên lại tụ họp để trao đổi, thảo luận.

Theo cô Nguyễn Thị Lựu, những buổi như thế, giáo viên học hỏi được nhiều điều và giải toả các băn khoăn, vướng mắc, để hoạt động bồi dưỡng, đặc biệt là công tác chuyên môn đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả, chất lượng.

Giáo viên này cho rằng, với thầy cô vùng khó khăn, các cộng đồng học tập ngay chính trong nhà trường hoặc cụm trường chính là "điểm tựa”, là nơi hỗ trợ đắc lực nhất cho giáo viên trong việc bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn. Ở những nơi địa đầu tổ quốc hoặc vùng núi sâu xa ấy, ngoài việc thiếu máy tính cá nhân thì đường truyền internet ổn định, đôi khi cũng là điều "xa xỉ” để các giáo viên có thể thuận lợi tham gia vào các cộng đồng học tập khác trên mạng.

(Theo VOV)

Các tin khác
Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư về việc dạy kiến thức kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trong nhà trường. (Ảnh minh họa, nguồn: KT)

Bộ Giáo dục- Đào tạo vừa ban hành dự thảo thông tư về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Hiện có khoảng 6.500 ngôn ngữ nói trên thế giới, trong đó, khoảng 2.000 ngôn ngữ có ít hơn 1.000 người nói

Ngôn ngữ là một phương tiện quan trọng để kết nối con người với nhau, cho phép chúng ta chia sẻ ý tưởng, suy nghĩ và cảm xúc của mình với người khác; nó có sức mạnh để xây dựng xã hội, nhưng cũng có thể phá hủy chúng.

Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Bảo Hưng, huyện Trấn Yên.

Không thể phủ nhận sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh cùng ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT)Yên Bái trong việc nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp học. Song do nguồn lực còn hạn chế, các yếu tố đặc trưng vùng đã tác động không nhỏ, khiến cho việc đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn.

Học sinh, phụ huynh có nhu cầu mua sách giáo khoa ở các cấp có thể truy cập trang thương mại điện tử trực tuyến Nhà Sách Số https://nhasachso.nxbgd.vn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng sách giáo khoa tới nhà trường, học sinh và phụ huynh, để kịp thời chuẩn bị cho năm học mới 2021 - 2022.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục