Trước ngày đón học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục đã huy động cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên tổ chức tổng vệ sinh trường, lớp học, phòng học chức năng, phòng thực hành, thư viện, nhà hoạt động thể chất, nhà ăn, khu vực bán trú, nhà vệ sinh; lau rửa nền nhà, tay nắm cửa, bàn ghế, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi… bằng các chất khử khuẩn, tẩy rửa. Các đơn vị bố trí nước rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh tại vị trí dễ nhìn thấy.
Ông Lưu Quang Lợi - Trưởng phòng giáo dục- đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Yên chia sẻ: "Ngoài việc phải khẩn trương chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất như mọi năm, năm nay, các trường thực hiện thêm một nhiệm vụ là chuẩn bị kỹ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, phải chuẩn bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, tập huấn quy trình phòng, chống dịch Covid-19, tiến hành phun khử trùng trường lớp... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng khuyến khích học sinh, giáo viên các nhà trường đưa ra ý tưởng, thực hiện các sản phẩm phòng, chống dịch hiệu quả”.
Chủ động các biện pháp phòng dịch, chuẩn bị kịch bản học tập trong các tình huống diễn biến phức tạp là cách ứng phó linh hoạt của ngành GD&ĐT với dịch Covid-19 để kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng.
Ngành GD&ĐT xác định đây là năm học đặc biệt, đặt trọng trách cho mỗi cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành. Năm học đẩy mạnh các giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, giai đoạn 2021 - 2025; là năm học thứ hai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cho lớp 2 và lớp 6 và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh.
Các trường học trên địa bàn tỉnh đã lên kế hoạch triển khai nhiều giải pháp để thích ứng, vừa bảo đảm an toàn vừa triển khai tổ chức được các hoạt động giáo dục.
Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: "Tranh thủ tình hình dịch Covid trên địa bàn tỉnh ổn định, ngành yêu cầu các nhà trường tổ chức học trên 6 buổi/ tuần, dạy 2 buổi/ ngày kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến; dạy các môn cơ bản và nội dung cốt lõi trước, bổ sung, mở rộng củng cố sau...
Đối với cấp tiểu học, đặc biệt là các trường vùng cao chỉ đạo dạy tăng cường tiếng Việt. Với cấp THCS, tăng cường dạy bổ trợ tiếng Anh cho lớp 6; bổ sung, điều chỉnh kiến thức lớp 9 sát với lớp 10.
Với bậc THPT tổ chức phân loại học sinh, định hướng, tư vấn, đồng thời có kế hoạch phù hợp với từng đối tượng; đối với lớp 12 cần xây dựng kế hoạch ôn tập sớm, có thể dạy nhiều hơn 6 buổi/ ngày.
Giáo dục dân tộc cần chú trọng xây dựng môi trường tiếng Việt, tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn nghệ, thể thao..., tăng cường phụ đạo; đổi mới công tác quản lý học sinh bán trú, nội trú, phối hợp quản lý học sinh không ở trong trường.
"Tăng buổi học ở những đơn vị có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ và có những giải pháp giao bài, hướng dẫn học sinh tự học tại khu nội trú. Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm; xây dựng trường học hạnh phúc" - ông Tuấn nói.
Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh dự kiến có 592 lớp 1 với 18.120 học sinh; 580 lớp 2 với 17.888 học sinh; 430 lớp 6 với 15.742 học sinh. Công tác chuẩn bị cho triển khai Chương trình GDPT 2018 đã được ngành GD&ĐT và các cấp quản lý, các nhà trường thực hiện để đảm bảo cho năm học mới.
Trong điều kiện giáo viên còn thiếu, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường bố trí đội ngũ theo hướng đảm bảo cân đối, hợp lý, đặc biệt có phương án cụ thể bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp đối với các môn học thiếu giáo viên và các môn học mới, trong đó ưu tiên bố trí giáo viên cho các lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Sở đã tổ chức bồi dưỡng cho toàn bộ giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 và cán bộ quản lý về chương trình, sách giáo khoa, hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục và phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh.
Về cơ sở vật chất, thiết bị, đảm bảo tỷ lệ 1 phòng học/ lớp cho 100% lớp 1, lớp 2 để tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày; các trường ưu tiên bố trí phòng học tốt, có thiết bị điện tử cho các lớp đổi mới. Mặc dù nhiều địa phương vùng cao còn gặp khó khăn, song đến nay, 100% học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã được chuẩn bị đủ sách giáo khoa cho năm học mới.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch môn học và kế hoạch bài dạy. Các nhà trường đang tiến hành xây dựng kế hoạch với tinh thần tự chủ, trách nhiệm, đổi mới, linh hoạt, phù hợp với địa phương, nhà trường để đảm bảo thực hiện yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.
Với sự chuẩn bị chu đáo, cùng sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, năm học 2021-2022 dù được đánh giá có nhiều thử thách, nhưng với sự chủ động này, các trường đều quyết tâm hoàn thành và nỗ lực đạt kết quả cao trong năm học đặc biệt.
Thanh Ba