Xác định môi trường học tập tốt quan trọng và rất cần thiết đối với sự phát triển của học sinh, từ năm học 2020 - 2021, Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái đã triển khai xây dựng thí điểm mô hình trường học hạnh phúc.
Mục tiêu hướng đến xây dựng một ngôi trường mà ở đó học sinh đến trường không phải chỉ để học chữ, mà đến trường là để sống, để hạnh phúc, được phát triển toàn diện, trở thành chính mình, được che chở bởi môi trường học tập an toàn, được tôn trọng và được yêu thương.
Triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” theo giai đoạn và năm học, nhà trường xác định rõ mục tiêu: Giai đoạn I, thay đổi nhận thức của giáo viên và học sinh về trường học hạnh phúc; xây dựng trường học hạnh phúc trên nền tảng cơ sở trường học văn hóa. Giai đoạn II, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí trường học, lớp học hạnh phúc; triển khai các giải pháp xây dựng môi trường học đường an toàn, tôn trọng, yêu thương và chất lượng.
Giai đoạn III, đánh giá để điều chỉnh, xây dựng các giải pháp phù hợp. Cùng với đó, nhà trường mời Phó Giáo sư, Tiến sĩ tâm lý giáo dục Trần Thị Lệ Thu - Trưởng bộ môn Tâm lý Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội tập huấn về giá trị sống và trường học hạnh phúc. Trường cụ thể hóa các tiêu chí trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc; xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, lớp học; nội quy nền nếp và cam kết thực hiện; xây dựng các chủ đề giáo dục giá trị sống cho học sinh thực hiện theo từng tháng, chương trình môn học, các hoạt động trải nghiệm môn học; xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường và thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực học đường.
Phối hợp cùng với Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên tổ chức tập huấn kiến thức và kỹ năng cho học sinh nhà trường. Phối hợp với Công an thành phố Yên Bái tổ chức tuyên truyền giáo dục về phòng, chống các tệ nạn xã hội, an toàn giao thông. Tăng cường giáo dục toàn diện, giáo dục kỹ năng sống, phát triển năng khiếu cho học sinh. Tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng với số tiền ủng hộ là trên 100 triệu đồng…
Trường đặc biệt đẩy mạnh đổi mới phương pháp theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; đổi mới kiểm tra đánh giá đảm bảo yêu cầu đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại cơ sở sản xuất ở địa phương, các hoạt động giáo dục STEM… Qua đó kết quả chất lượng giáo dục tăng vững chắc và toàn diện: năm học 2020 -2021, Trường có trên 97% học sinh đạt học lực khá, giỏi; 57 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; tham gia cuộc thi IOE có 26 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 6 giải quốc gia; 1 dự án khoa học kỹ thuật đạt giải Ba cấp tỉnh; 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT.
Sau một năm học áp dụng các giải pháp xây dựng môi trường học đường hạnh phúc, Trường THPT Nguyễn Huệ đã phát phiếu tự đánh giá và cảm nhận hạnh phúc cho tất cả học sinh, 73 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Kết quả cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt. Về sự tiến bộ trong học tập và rèn luyện phẩm chất, năng lực cho thấy, 89% tự giác, chủ động, tiến bộ trong học tập; 92% ứng xử thân thiện, văn minh, hợp tác với bạn bè và kiểm soát cảm xúc.
Về cảm nhận hài lòng của học sinh khi được học tập tại trường cho thấy, trên 97% thấy được thầy cô lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu, quan tâm, chăm lo, học trong một môi trường nhân ái, tôn trọng; học sinh thích được đến trường. 96,5% học sinh cảm thấy hạnh phúc khi được học tập tại trường. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên cảm thấy hạnh phúc, trong đó 80% cảm thấy rất hạnh phúc, 20% khá hạnh phúc. Phụ huynh phối hợp chặt chẽ, đồng thuận và hài lòng với nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lan - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: "Công tác tư vấn tâm lý học đường được nhà trường chú trọng. Giáo viên được tập huấn và tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản, cần thiết như lắng nghe, đặt câu hỏi, tư vấn, chia sẻ, cảm thông... và giúp học sinh vượt qua những khó khăn mà các em phải đối mặt trong quá trình học tập. Hiện nay, mỗi giáo viên của trường là một cán bộ tư vấn tâm lý, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm là người nhận diện ra những khó khăn tâm lý mà học sinh thường gặp phải, để từ đó cùng tìm ra những biện pháp hỗ trợ tâm lý kịp thời cho các em”.
Thanh Ba