Ngành học "từ chối” thí sinh thành phố
Xác định ngành học mơ ước từ sớm, Thùy Chinh, cựu học sinh Trường THPT Ba Vì, Hà Nội, khá bất ngờ và hụt hẫng sau một thời gian dài chờ điểm chuẩn. Chọn tổ hợp D07 (Toán 8,8 điểm, Hóa 9 điểm, Anh 9 điểm) tính cả điểm cộng khu vực 0,75, Chinh đạt 27,55 điểm để xét tuyển nguyện vọng vào khối các trường kinh tế tốp đầu. Đối chiếu với điểm chuẩn của từng ngành xét tuyển ngay sau khi các trường thông báo, Chinh thiếu 0,7 điểm vào ngành Kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương (nguyện vọng 1) và thiếu 0,1 điểm vào ngành Kế toán của Trường ĐH Kinh tế quốc dân (nguyện vọng 2). Em khá bất ngờ khi điểm chuẩn khối các trường em đặt nguyện vọng đều tăng nhiều và vẫn không ngờ là mình vuột mất cả 3 nguyện vọng vào trường tốp đầu. Với số điểm trên, em đỗ nguyện vọng thứ 4 (ngành Marketing của Trường ĐH Thương mại).
Một số chuyên gia nhận định, do đề thi năm nay không có độ phân hóa cao nên thiệt thòi cho các học sinh thực sự giỏi. Hơn nữa, tổng điểm cao do điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao khiến nhiều thí sinh và phụ huynh chủ quan, an tâm "ảo”.
|
Nhật Vy, cựu học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, Hải Phòng, cho biết, bố mẹ chết lặng và không thể ngờ 12 năm học em luôn đứng tốp đầu của lớp, đạt học sinh giỏi, thi các kì thi học sinh giỏi các cấp, đạt điểm 26 điểm khối C…, nhưng đều trượt cả 4 nguyện vọng vào ngành Báo chí, Văn học của Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Em cảm thấy sốc vì không nghĩ điểm chuẩn lại cao đến vậy. Vy dự định đăng ký xét học bạ vào trường tốp dưới hoặc theo học cao đẳng liên thông… "Nhưng nghề viết là ước mơ lớn nhất của em. Em sẽ tìm hiểu và nếu có cơ hội, em vẫn sẽ đặt niềm tin vào nó. Em sẽ suy nghĩ thêm về việc có nên thử sức lại vào sang năm hay không. Tuy nhiên, ở thời điểm này, em chưa sẵn sàng cho một quyết định nào, em khá bối rối bởi với lực học của em, em chưa từng nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh này”, Vy tâm sự.
Năm nay, trường hợp như Nhật Vy không hiếm. Ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao Trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa có điểm chuẩn kỷ lục khi lấy 30,5/30 điểm, tức thí sinh khu vực 3 (khu vực thành phố, không có điểm ưu tiên đối tượng) sẽ không có cơ hội trúng tuyển. Tương tự, ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị Công an Nhân dân đối với nữ có điểm chuẩn là 30,34 điểm. Ngành Nghiệp vụ an ninh của Học viện An ninh Nhân dân đối với thí sinh nữ địa bàn 1 (10 tỉnh khu vực vực phía Bắc) có điểm chuẩn chạm đỉnh là 29,99 điểm; ngành Nghiệp vụ Cảnh sát, Học viện Cảnh sát Nhân dân cũng có điểm chuẩn đối với nữ địa bàn 1 là 29,75 điểm. Khối trường quân đội, điểm chuẩn dành cho nữ cũng rất cao. Năm nay, quán quân của nhóm trường này, ngành ngôn ngữ Anh của Học viện Khoa học quân sự dành cho nữ là 29,44 điểm. Ngành ngôn ngữ Nga là 29,3 điểm. Mức điểm này cao hơn điểm chuẩn cho thí sinh nam từ gần 3 đến hơn 4 điểm.
Đối với những ngành học nói trên, nếu thí sinh không có "ngoại lực” tác động là điểm ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng thì không có cơ hội trúng tuyển.
Mùa tuyển sinh năm nay còn chứng kiến sự tăng điểm phi mã ở một số ngành học. Trong đó, kỷ lục thuộc về ngành Quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành, Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội tăng 10,95 điểm so với năm 2020. Cũng tại trường này, ngành Tài chính - Ngân hàng có điểm chuẩn tăng 10,5 điểm, ngành Kinh doanh quốc tế tăng 9,9 điểm so với năm ngoái. Tại Trường ĐH Hà Nội, ngành có điểm chuẩn tăng mạnh nhất là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tăng tới 9,6 điểm so với năm trước. Kế đến là ngành Nghiên cứu phát triển tăng 9,47 điểm.
Đâu là nguyên nhân?
Năm nay, ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có điểm chuẩn tuyệt đối 30/30. GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, điểm chuẩn các ngành đều tăng đã được dự báo ngay từ khi có kết quả kỳ thi THPT. Phổ điểm năm nay có xu hướng tăng nhiều hơn ở các tổ hợp xét tuyển thuộc khối C và khối D truyền thống. Bên cạnh đó, các trường ĐH gia tăng các hình thức xét tuyển ngoài kết quả thi THPT. Việc gia tăng tỉ trọng xét tuyển này đã khiến chỉ tiêu các trường ĐH dành cho xét tuyển từ kết quả thi THPT giảm xuống. Phổ điểm thi THPT tăng lên trong khi chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết quả thi THPT giảm xuống nên điểm chuẩn tăng lên là điều có thể hiểu được.
Điểm chuẩn kỷ lục 30,5/30
Ngày 16/9, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) thông báo điểm trúng tuyển, thời gian xác nhận và nhập học đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2021. Theo đó, mức điểm đầu vào cao nhất thuộc về ngành đào tạo trình độ ĐH sư phạm Ngữ văn chất lượng cao với 30,5 điểm (cộng cả điểm ưu tiên); tiếp theo là ngành ĐH sư phạm Lịch sử chất lượng cao với 29,75 điểm. Năm 2020, điểm chuẩn cao nhất cũng thuộc về ngành đào tạo ĐH sư phạm Ngữ văn chất lượng cao với 29,25 điểm, tiếp đến là ngành ĐH sư phạm Toán chất lượng cao 26,2 điểm, ngành ĐH sư phạm Vật lý chất lượng cao 24 điểm.
Năm 2021, có những ngành ĐH sư phạm điểm chuẩn cao hơn năm 2020 đến 10 điểm. Ngành ĐH sư phạm Lịch sử năm ngoái có mức điểm chuẩn là 18,5 điểm, năm nay là 28,5 điểm. Nhà trường nhận định, điểm chuẩn cao do có chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; chất lượng giáo dục phổ thông, nhu cầu về nhân lực giáo viên của các địa phương tăng lên… Tổng nguyện vọng đăng ký vào khối ngành đào tạo ĐH sư phạm của Trường ĐH Hồng Đức năm nay tăng 2,5-3 lần. |
Ông Tuấn nhận định, diễn biến dịch bệnh phức tạp khiến kế hoạch du học của nhiều thí sinh bị đình trệ nên các em chọn giải pháp học tập trong nước. Các em đều có ngoại ngữ tốt nên điểm thi vào các tổ hợp khối D cao. Về điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học của trường, ông lý giải, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này rất thấp - 50 chỉ tiêu, trong đó có 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia nên chỉ còn 35 chỉ tiêu cho xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, số lượng nguyện vọng đăng ký vào ngành này là 1.800 với tất cả các tổ hợp; với tổ hợp C00, tỉ lệ cạnh tranh cao hơn. Một lý do nữa là điểm ưu tiên khu vực và đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước khiến điểm tổng sau khi cộng điểm ưu tiên (tối đa lên đến 2,75) vượt qua ngưỡng 30/30. "Trong thực tế, không có thí sinh nào đạt điểm thi tối đa, mà do được cộng điểm ưu tiên nên mới đạt hoặc vượt ngưỡng 30/30”, ông Tuấn nói.
TS Hoàng Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, cho hay, điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của trường sở dĩ ở mức kỷ lục là do chỉ có 15 chỉ tiêu. Trong khi đó, điểm thi năm nay khá cao, thí sinh của Thanh Hóa được cộng điểm khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên rất đông.
(Theo TPO)