Thực hiện Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 433 ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, Nghĩa Lộ có 14/14 xã, phường đều thuộc khu vực I. So với trước, thị xã có 4 xã và 16 thôn, bản ra khỏi diện ĐBKK. Điều này tác động nhiều tới lĩnh vực giáo dục nhưng các nhà trường trên địa bàn đã và đang tìm cách vượt khó, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học mới.
Trường Tiểu học và THCS xã Thạch Lương là đơn vị trường chịu nhiều tác động khi thực hiện Quyết định số 861 và Quyết định số 433. Theo đó, về bảo hiểm y tế (BHYT), trước tháng 6/2021, có 824/826 học sinh nhà trường (chiếm 99%) được cấp thẻ BHYT miễn phí theo diện học sinh người DTTS vùng III. Từ ngày 1/7/2021, sẽ có 465/815 học sinh (chiếm 57%) phải tự mua thẻ BHYT theo quy định.
Về học phí, học sinh THCS trước tháng 6/2021 có 344/354 em (chiếm 97%) được miễn, giảm học phí (trong đó, học sinh hộ nghèo được cấp chi phí học tập 100.000 đồng/học sinh/tháng, học sinh người DTTS được miễn giảm 70% học phí). Từ ngày 1/9/2021, có 300/315 học sinh (chiếm 95%) phải đóng đủ 100% học phí theo quy định (chỉ giảm với học sinh hộ nghèo).
Về chế độ với học sinh bán trú, từ năm học 2019 - 2020, nhà trường thường xuyên duy trì 70 - 75 học sinh ở bán trú, hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK, song từ năm học 2021 - 2022 sẽ không còn đối tượng học sinh nào được hưởng chế độ theo Nghị định này. Ngoài ra, không còn được Nhà nước cấp trang thiết bị, sách giáo khoa hỗ trợ học sinh như trước đây.
Để khắc phục những khó khăn đó cũng như đảm bảo tỷ lệ học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới 2021 - 2022 với 24 lớp, 815 học sinh, thầy Đinh Trọng Đoàn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường đã chủ động đề nghị hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học, đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhất là với học sinh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 gồm lớp 1, 2, 6.
Theo kế hoạch, nhà trường sẽ được hỗ thiết bị dạy học lớp 2 gồm 96 học sinh, lớp 6 gồm 80 học sinh. Nhà trường cũng được ủng hộ từ Quỹ Thiện Tâm Hà Nội thiết bị 1 phòng dạy Tin học gồm 28 máy tính, 1 máy chiếu trị giá hơn 320 triệu đồng. Nhà trường đang đề nghị hỗ trợ, vận động mua sắm thêm bàn ghế để đưa vào sử dụng, tu sửa cảnh quan, thiết bị phòng học”.
Cùng với đó, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền tới phụ huynh học sinh để nắm bắt các thay đổi về chính sách của Nhà nước với học sinh. Riêng đầu tháng 7/2021, nhà trường đã vận động mua BHYT tự nguyện cho học sinh được 162 em. Nhà trường cũng đã gặp gỡ với cán bộ thôn bản, đại diện phụ huynh học sinh thôn Bản Có là thôn xa trường trên 4 km để tuyên truyền, phân tích rõ về việc cắt chế độ học sinh bán trú tiểu học do thôn thoát khỏi vùng ĐBKK, huy động xã hội hóa, sử dụng tối đa thiết bị đã được cấp để nấu ăn trưa tại trường cho học sinh học 2 buổi/ngày có nhu cầu, hạn chế việc đi lại trong ngày cho học sinh. 40 học sinh đã đăng ký ăn trưa tại trường, còn lại các em tự mang cơm hoặc phụ huynh đưa đón.
Đồng thời, nhà trường tích cực kêu gọi các tập thể, cá nhân, đơn vị hảo tâm, hội khuyến học hỗ trợ kinh phí giúp học sinh quá khó khăn không đóng góp ăn trưa được; vận động ủng hộ thêm các phương tiện đi lại như xe đạp, phân công giáo viên đỡ đầu, các anh chị lớn tuổi lớp 8, 9 kèm cặp giúp đỡ các em nhỏ tuổi lớp 1, 2...
Trường Tiểu học Phúc Sơn cũng chịu nhiều ảnh hưởng của 2 quyết định này bởi trước đây xã thuộc vùng III, học sinh được hưởng các chế độ hỗ trợ bán trú, BHYT. Sang năm học này, xã đã ra khỏi vùng III, thuộc khu vực I, chỉ còn thôn Điệp Quang là thôn vùng III nhưng học sinh cũng không được hưởng các chế độ hỗ trợ bán trú như trước.
Cô giáo Phu Minh Diệp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Bước vào năm học mới, nhà trường có 70 học sinh ở thôn Điệp Quang nhà cách trường hơn 5 km, đường sá khó khăn, bố mẹ thường đi làm ăn xa, các em ở với ông bà không có điều kiện đưa đón. Để các em đến trường chuyên cần, trước mắt, nhà trường tận dụng cơ sở vật chất hiện có cùng với sự đóng góp của phụ huynh 15.000 đồng/học sinh để tổ chức nấu cơm trưa cho một phần học sinh ở xa và có nhu cầu ăn trưa tại trường. Một số học sinh không có điều kiện đóng góp thì vận động phụ huynh cho các em đem cơm đến trường để ăn trưa. Nhà trường tổ chức trông trưa các em học sinh không có thù lao”.
Cùng với chế độ hỗ trợ bán trú, trước đây, cả xã Phúc Sơn thuộc vùng III nên 100% học sinh được cấp thẻ BHYT, nay chỉ còn học sinh ở thôn ĐBKK được hưởng chính sách này. Do đó, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền tới phụ huynh về ý nghĩa, sự cần thiết phải tham gia BHYT và đã được cha mẹ học sinh tích cực tham gia. Hiện, vận động được 64% học sinh mua BHYT. Nhà trường sẽ tiếp tục vận động để phấn đấu đạt 100% học sinh có BHYT.
Theo rà soát của ngành giáo dục và đào tạo thị xã, trước khi thực hiện 2 quyết định trên, thị xã Nghĩa Lộ có 15 trường học với 2.308 học sinh và 338 cán bộ, giáo viên nhân viên đang hưởng các chế độ chính sách cho khu vực và thôn bản ĐBKK.
Trong đó, hưởng chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK theo Nghị định số 116 của Chính phủ gồm: chế độ ăn trưa cho học sinh bán trú cho 138 học sinh, chế độ phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú cho 4 người, kinh phí quản lý học sinh cho 2 người; chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP có 903 trẻ; chế độ hỗ trợ giáo viên mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP có 4 cô giáo; chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định số 86 và Nghị định số 145 của Chính phủ có 2.308 học sinh.
Do vậy, khi không còn hưởng các chế độ chính sách trên, các trường học gặp nhiều khó khăn như: công tác huy động học sinh ra lớp, tỷ lệ học sinh chuyên cần; việc thu học phí đối với học sinh trước đây được hưởng chính sách miễn học phí…
Trường Tiểu học và THCS xã Thạch Lương đã kêu gọi ủng hộ được thiết bị 1 phòng dạy Tin học.
Theo bà Lò Thị Tuyết Dung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ, trước những khó khăn này, ngành giáo dục và đào tạo thị xã đã tham mưu cho thị xã xây dựng Kế hoạch số 156 ngày 26/8/2021 về việc triển khai các giải pháp thực hiện Quyết định số 861 và Quyết định số 433 đảm bảo mục tiêu phát triển giáo dục - đào tạo trên địa bàn thị xã.
Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đã chủ động rà soát các đơn vị trường, số lượng học sinh chịu tác động; chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch khắc phục khó khăn do tác động; phối hợp với chính quyền các xã, phường tổ chức tuyên truyền việc thực hiện các quyết định và bàn giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục của năm học 2021 - 2022.
Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực trong năm học đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đơn vị trường bị tác động nhiều; phát động Phong trào "Tương thân, tương ái"; tiếp tục triển khai thực hiện mô hình kết nghĩa giữa các trường vùng thuận lợi với các trường vùng khó khăn để giúp đỡ về chuyên môn, vật chất, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ; đề nghị xem xét có phương án, chính sách hỗ trợ đối với học sinh nhà ở xa trường có hộ khẩu thường trú tại thôn Bản Có (xã Thạch Lương), thôn Điệp Quang (xã Phúc Sơn) và được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 của Chính phủ.
Năm học mới 2021 - 2022, thị xã Nghĩa Lộ có 496 nhóm, lớp với gần trên 16.000 học sinh ở bậc học mầm non, tiểu học, THCS, tăng 10 nhóm, lớp so với năm học trước. Tuy chịu tác động của Quyết định số 861 và 433, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sự chủ động của thầy trò các nhà trường nói riêng và của ngành giáo dục và đào tạo thị xã nói chung trong triển khai các giải pháp nhằm duy trì tốt tỷ lệ học sinh chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đã thể hiện tinh thần và nỗ lực vươn lên của toàn ngành.
Thu Hạnh