Huy động nguồn lực xã hội hóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục: Hiểu đúng, làm đúng và minh bạch

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/10/2021 | 7:47:44 AM

YênBái - Việc đóng góp nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và việc xã hội hóa theo đúng nghĩa hình thức tự nguyện là vấn đề được các cơ sở giáo dục và người dân đặc biệt quan tâm trong thời điểm đầu năm học.

Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học và THCS Giới Phiên, thành phố phố Yên Bái.
Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học và THCS Giới Phiên, thành phố phố Yên Bái.

Trong khi ngân sách của Nhà nước dành cho giáo dục đang còn nhiều hạn chế thì nguồn lực xã hội hóa có vai trò rất lớn tham gia vào việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, cải tạo môi trường giáo dục của các trường học.

Tuy nhiên, để việc đóng góp nhận được sự đồng thuận của phụ huynh và việc xã hội hóa theo đúng nghĩa hình thức tự nguyện là vấn đề được các cơ sở giáo dục và người dân đặc biệt quan tâm trong thời điểm đầu năm học. Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (P.V): Thưa ông, với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Yên Bái, vai trò của công tác xã hội hóa giáo dục là rất quan trọng. Vậy quan điểm chỉ đạo của tỉnh và ngành GD&ĐT về công tác xã hội hóa giáo dục hiện nay như thế nào?



Ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái. 

Ông Đào Anh Tuấn: Tỉnh Yên Bái có 2 huyện thuộc diện 30a, 59 xã khu vực III, 327 thôn đặc biệt khó khăn, số học sinh là con hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ cao. Trẻ em, học sinh trên địa bàn tỉnh đa số là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ khoảng 63%, chủ yếu sinh sống và học tập tại những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, nhiều em được miễn, giảm học phí. 

Bên cạnh đó, số "thất thu” học phí cũng rất cao, chiếm khoảng 10% đến 15% tổng số thu học phí. Hàng năm, ngân sách Nhà nước cấp cho chi thường xuyên tại các cơ sở giáo dục đào tạo toàn tỉnh khoảng 105 tỷ đồng, chỉ đạt từ 5,3% đến 6,7%, tỷ lệ này chủ yếu mới chỉ đảm bảo trong năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách. 

Các năm sau khi thực hiện cải cách tiền lương thì tỷ lệ chi lương và các khoản có tính chất lương tăng nhưng chi hoạt động (chi khác) không được phân bổ tăng tương ứng, các năm sau tỷ lệ này chỉ còn khoảng từ 4,5% đến 6,0%.

Với những điều kiện khó khăn như vậy nên việc huy động công tác xã hội hóa là hết sức quan trọng và cần thiết trong điều kiện ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp. Ngày 17/7/2021, HĐND tỉnh Yên Bái đã thông qua Nghị quyết số 59 quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm học 2021 - 2022. 

Việc thông qua Nghị quyết đã góp phần tạo ra hành lang pháp lý đối với các cơ sở giáo dục trong công tác huy động xã hội hóa giáo dục (XHHGD) từ năm học 2021-2022. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục vẫn thực hiện việc huy động theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. 

P.V: Xin ông cho biết những kết quả của công tác xã hội hóa giáo dục tại tỉnh Yên Bái đã đạt được?

Ông Đào Anh Tuấn: Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh XHHGD trên địa bàn tỉnh, công tác huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua đóng góp, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định. 

Từ 2010 đến nay, đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, hỗ trợ các hoạt động dạy học giáo dục trong các cơ sở giáo dục. 

Việc huy động nguồn lực của xã hội đã góp phần giảm áp lực chi ngân sách, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, giảm áp lực tuyển sinh cho các trường công lập, mở ra cơ hội cho người học, chủ động lựa chọn cơ sở giáo dục phù hợp với thu nhập của người dân; góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập, xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh và thực tế qua 10 năm thực hiện công tác XHHGD đã khẳng định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các trường ngoài công lập, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của xã hội. 

Hàng năm, các cơ sở giáo dục đều xây dựng kế hoạch về công tác XHHGD phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các nhà trường chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển giáo dục. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ công tác xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường giáo dục thân thiện.

P.V: Ngành GD&ĐT có những biện pháp gì để đảm bảo thu đúng, thu đủ và không phải là lạm thu trong công tác xã hội hóa, thưa ông?

Ông Đào Anh Tuấn: Xã hội hoá giáo dục thực chất là nhằm xóa bỏ mọi hình thức áp đặt của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, năng động và nội lực to lớn trong mọi tầng lớp nhân dân để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục và đào tạo phù hợp và đáp ứng sự phát triển của thời đại. 

Ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện xã hội hoá công tác giáo dục đảm bảo dân chủ, công khai quá trình tổ chức và quản lý; nâng cao nhận thức và thực hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác XHHGD; đa dạng hóa giáo dục và đào tạo; xây dựng và phát triển các tổ chức khuyến học; xây dựng và đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa xã hội với nhà trường và gia đình; tổ chức đại hội ban đại diện cha mẹ học sinh các cấp… 

Cùng với đó, ngay từ đầu năm học đã quán triệt tới tất cả các đơn vị trường học về Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm học 2021 - 2022; Hướng dẫn số 12/HD-UBND ngày 30/8/2021 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm học 2021 - 2022, theo đó sẽ đảm bảo cho các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tránh tình trạng lạm thu, loạn thu trong các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Thanh Ba (Thực hiện)

Tags xã hội hóa chất lượng giáo dục cơ sở vật chất đặc biệt khó khăn hộ nghèo tình trạng lạm thu loạn thu

Các tin khác
Lê Quang Huy (thứ hai từ phải) cùng đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic tin học quốc tế 2021.

Năm 2021, Lê Quang Huy đoạt huy chương vàng Olympic tin học châu Á - Thái Bình Dương và huy chương bạc kỳ thi Olympic tin học quốc tế.

Đồng chí Lã Thị Liền -Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên tặng hoa và trao thưởng cho thầy giáo Trần Phi Hùng và em Trần Quốc Thái.

Vừa qua, tại Trường THCS Lâm Giang, UBND huyện Văn Yên đã trao thưởng học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc trong kỳ thi Toán học quốc tế HKIMO năm 2021.

Làm tốt công tác quản lý, giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã giúp nhiều năm qua các trường học trên địa bàn huyện Trạm Tấu không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục bán trú trong nhà trường ở huyện vùng cao.

Nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh là chủ trương thiết thực và cần thiết. Ảnh tư liệu

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục