Người thầy xưa và nay
Ngày 20.11.1958 được lấy làm Ngày quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Đến năm 1982, ngày 20.11 hàng năm được đổi lại là Ngày nhà giáo Việt Nam.
Trước thềm của Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, một anh bạn trẻ rất quan tâm đến giáo dục hỏi tôi: "Vị thế của người thầy nay và xưa khác nhau như thế nào?”.
Tôi phân vân chọn cái mốc thời gian nào để phân định "xưa” và "nay”? Năm 1954, chấm dứt thời kỳ Pháp thuộc (gần 100 năm)? Hay là năm 1975, đất nước thống nhất? Hay là năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới, xoá bỏ chế độ "quan liêu bao cấp” chuyển sang "cơ chế thị trường”? Cũng có thể là năm 2000, internet bắt đầu phổ biến ở Việt Nam?
Những mốc son lịch sử đó đều có ảnh hưởng rất nhiều đến ngành giáo dục Việt Nam, đến vị thế của người thầy. Tuy vậy, với hơn 70 tuổi đời và gần 50 năm tuổi nghề, tôi chọn cách tốt nhất là chia sẻ một vài trải nghiệm thời đi học và thời đi dạy để trả lời anh bạn trẻ thân mến của tôi.
Tôi đi học phổ thông hệ 10 năm từ 1958 - 1968. Chương trình rất nhẹ so với bây giờ. Môn toán chỉ học đến đạo hàm, không có vi phân, tích phân. Lên đại học, những ngành như toán, lý, hoá mới học giải tích đại cương, trong đó có các phép tính vi phân, tích phân…
Thầy giáo dạy, học sinh học trên lớp là đủ, không thấy dạy thêm, học thêm ngoài giờ chính khoá. Những học sinh có khả năng vươn lên ở môn nào đó đều tự học. Riêng môn toán, năm 1965 mở lớp "Toán đặc biệt” ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (lớp A0) bồi dưỡng học sinh có năng khiếu toán học. Một số tỉnh theo đó cũng mở lớp "toán đặc biệt” trong trường phổ thông.
Tôi đi dạy từ 1972 - 1992. Đáng nhớ là sau năm 1975 xuất hiện nhu cầu học thêm để thi vào đại học. Ở Hà Nội, hình thành các nhóm học thêm tại các gia đình. Một vài phụ huynh có con chuẩn bị thi vào đại học bàn với nhau mở nhóm học thêm, kết nạp dăm bảy học sinh nữa, mời thầy giỏi về kèm cặp các con. Tôi và nhiều đồng nghiệp tham gia dạy luyện thi cho các nhóm này.
Là người trong cuộc, tôi rút ra hai điều cơ bản ở những nhóm học thêm này: khả năng thi đỗ đại học của các con tăng rất nhiều, thầy giáo có thu nhập đáng kể. Tôi không biết các con góp bao nhiêu tiền mỗi tháng, nhưng ít thôi vì chỉ bồi dưỡng thầy giáo (4 buổi/tuần, mỗi buổi 120 phút), không mất tiền thuê phòng, không mất tiền cho "chủ nhóm”. Thầy thì dạy rất nhiều nhóm, vất vả nhưng tiền bồi dưỡng của mỗi nhóm tuy ít nhưng nhiều nhóm gộp lại cũng khá. Tình cảm thầy trò và phụ huynh rất tốt, không mang màu sắc "thương mại”.
Sang thập kỷ 90 thì tình hình dạy thêm, học thêm đã thay đổi rất nhiều. Các lò luyện thi đại học mọc lên như nấm sau mưa. Chủ lò thuê các địa điểm rộng lớn, có thể ngồi hàng trăm học sinh, thầy giáo giảng bài phải có micro, học sinh nghe qua loa… Học sinh có thể mua vé tháng hoặc vé ngày. Chủ lò và thầy giáo chia nguồn thu theo tỷ lệ: chủ lò 3 phần, thầy giáo 7 phần. Lò nào hút được đông học sinh thì thu nhập rất lớn. Tính "thương mại” hình thành, khác xa thập kỷ 70, 80.
Thập kỷ 90 không chỉ phát triển thị trường luyện thi đại học, thị trường luyện thi chuyển cấp (lên lớp 6, lớp 10) và đặc biệt vào lớp chuyên cũng phát triển rất rầm rộ… Thời gian này tôi không tham gia thị trường luyện thi nói riêng và trực tiếp giảng dạy nói chung, vì tập trung làm công tác quản lý tại cơ sở giáo dục.
Do mặt trái của việc dạy thêm, học thêm nên Hội nghị T.Ư 2 khoá VIII đã có nghị quyết: bỏ trường chuyên lớp chọn ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, chống việc dạy thêm và học thêm tràn lan.
Từ năm 2000 đến nay, nhiều quy định về việc chống dạy thêm, học thêm tràn lan được ban hành nhưng thực tế vẫn đang diễn ra phức tạp, dư luận xã hội vẫn còn rất bức xúc.
Vị thế của người thầy phải do chính người thầy tạo nên, xã hội không ban tặng
Vị thế người thầy phải do chính người thầy tạo nên
Thực ra, việc học thêm ở thời nào cũng có và rất chính đáng. Vì có nhu cầu học thêm nên sẽ có việc dạy thêm. Chúng ta chống dạy thêm, học thêm tràn lan. Nguyên nhân dạy thêm, học thêm tràn lan thì có nhiều, trong đó có mấy nguyên nhân đáng quan tâm là: chương trình, nội dung còn quá nặng; tâm lý chuộng bằng cấp trong xã hội còn phổ biến; một số không ít giáo viên ép học sinh phải học thêm…
Các văn bản chống dạy thêm, học thêm tràn lan chỉ tập trung vấn đề thứ ba (giáo viên ép học sinh học thêm). Các nguyên nhân sâu xa như "chương trình, nội dung”, "tâm lý chuộng bằng cấp”… không có biện pháp cụ thể thì việc dạy thêm, học thêm lành mạnh và bổ ích còn lâu mới trở lại ngày xưa.
Tôi nói nhiều về việc dạy thêm, học thêm vì việc này có liên quan đến "vị thế nhà giáo”. Ngày xưa, khi việc dạy thêm, học thêm còn lành mạnh, trong sáng, vị thế người thầy rất cao. Vị thế đó do người thầy tạo dựng nên thông qua nghề nghiệp của mình. Xã hội tôn vinh và biết ơn người thầy vì lẽ đó. Ngày nay, việc dạy thêm, học thêm quá nhiều, lãng phí sức trò sức thầy, thậm chí có nơi, có lúc biến tướng thành tiêu cực. Việc này ảnh hưởng đến uy tín ngành giáo dục, phần nào làm giảm vị thế người thầy.
Xưa và nay, lúc nào vị thế của người thầy cũng được xã hội trân trọng! Vị thế đó có thể bị suy giảm phần nào vì nhiều lý do khác nhau nhưng bao giờ cũng chiếm ngôi vị hàng đầu trong xã hội. Vị thế của người thầy phải do chính người thầy tạo nên, xã hội suy tôn, không ban tặng!
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang |
Người ta có thể đổ lỗi cho lương của thầy giáo không đủ sống, do đó phải bằng nhiều cách để có thêm thu nhập. Lý do này chỉ đúng một phần thôi. Ngày xưa, lương của giáo viên cũng không đủ sống. Ngày nay, lương của viên chức nhà nước, trong đó có giáo viên, cũng không đủ sống. Vị thế của người thầy nếu giảm sút không thể chỉ vì lương thấp!
Trở lại với câu hỏi so sánh vị thế của người thầy xưa và nay? Chúng ta có thể khẳng định: xưa và nay, lúc nào vị thế của người thầy cũng được xã hội trân trọng! Vị thế đó có thể bị suy giảm phần nào vì nhiều lý do khác nhau nhưng bao giờ cũng chiếm ngôi vị hàng đầu trong xã hội. Vị thế của người thầy phải do chính người thầy tạo nên, xã hội suy tôn, không ban tặng!
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu Trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội)
(Theo TNO)