Không gì có thể thay thế được việc dạy và học trực tiếp, đây là khẳng định được đưa ra trong Báo cáo giáo dục tháng 10 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
Theo báo cáo này, sự tương tác trực tiếp giữa thầy và trò, giữa các học sinh với nhau cần được coi là trọng tâm của bất cứ chương trình giáo dục nào. Chỉ tính riêng tại châu Á, việc học tập của hơn 800 triệu trẻ em bị gián đoạn nghiêm trọng vì dịch COVID-19. Chính vì vậy, việc trường học mở cửa trở lại lúc này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với trẻ em.
Tuy nhiên, đi kèm với việc mở lại trường học là nguy cơ dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Đây chắc hẳn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ hiện nay.
7 nhóm giải pháp mở cửa trường học an toàn của UNICEF
Để mở cửa trường học an toàn, UNICEF đã đề xuất 7 nhóm giải pháp bao gồm: tuân thủ quy định đeo khẩu trang; đảm bảo rửa tay sát khuẩn thường xuyên; giữ vệ sinh sạch sẽ bề mặt và các đồ vật dùng chung; đảm bảo lớp học thông gió đầy đủ; thu hẹp quy mô lớp học, hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm học sinh; thiết lập cơ chế thông tin liên tục giữa phụ huynh, học sinh và giáo viên; khuyến khích tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh.
Dựa trên các khuyến nghị, mỗi quốc gia đều có ít nhiều sự điều chỉnh để đảm bảo các học sinh được đến trường an toàn.
Trường học ở Hàn Quốc lắp đặt tấm chắn.
Mô hình mở cửa trường học trở lại ở một số quốc gia
Học sinh tại nhiều quốc gia đã được quay lại trường học. Bên cạnh sách vở, hành trang mới cần có của các em là khẩu trang và kết quả xét nghiệm COVID-19.
Tại Israel, Chính phủ nước này đã tăng tốc tiêm chủng và thực hiện xét nghiệm đại trà cho học sinh trước khi quay lại trường. Từ đầu tháng 10, chương trình thí điểm "Lớp học Xanh" đã được thực hiện tại 247 trường học tại 19 địa phương ở tất cả các cấp, trừ các lớp mầm non tại Israel.
Ở Hàn Quốc, các trường được thực hiện học xen kẽ trực tiếp và trực tuyến. Trường học phải bố trí những tấm chắn để hạn chế nguy cơ lây lan dịch. Các bậc phụ huynh được khuyến cáo thực hiện phòng chống COVID-19 ở mức độ cao.
Còn tại Philippines, ở những nơi có nguy cơ thấp, mỗi buổi học sẽ diễn ra chỉ trong 3 - 4 giờ. Số lượng học sinh cũng được giới hạn. Với mẫu giáo, một lớp tối đa 12 em, trong khi bậc tiểu học là 16 học sinh, còn bậc trung học là 20 em mỗi lớp.
Trong bối cảnh các biến thể của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh hơn, sẽ luôn xuất hiện nguy cơ các ca mắc COVID-19 trong trường học.
Tại Pháp, nếu có bất kỳ ca mắc COVID-19 nào ở cấp tiểu học, cả lớp sẽ nghỉ học. Nếu lây nhiễm xảy ra ở trường THCS hoặc THPT, những học sinh có tiếp xúc nhưng chưa tiêm vaccine phải tự cách ly trong một tuần. Pháp đề ra kế hoạch ứng phó như vậy vì phần lớn học sinh từ 12 tuổi đến 17 tuổi đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 nên rủi ro lây nhiễm giảm đáng kể.
Các trường học tại Thái Lan đã mở cửa lại từ đầu tháng 11 này. Theo Bộ Giáo dục Thái Lan, nếu có một ca lây nhiễm được phát hiện, các trường chỉ cần đóng cửa những lớp bị ảnh hưởng, không cần phải đóng cửa toàn bộ trường học. Tuy nhiên, nếu có nhiều ca nhiễm, các trường có thể chuyển sang học trực tuyến để tiến hành khử khuẩn toàn bộ trường học trước khi đón học sinh trở lại.
Theo quy định, học sinh Thái Lan cũng không cần thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi đến lớp. Hàng ngày học sinh đều được kiểm tra thân nhiệt và được yêu cầu phải tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay, xét nghiệm COVID-19, không tập trung đông người, kiểm tra bản thân.
Bộ Giáo dục Thái Lan yêu cầu hơn 70% giáo viên, nhân viên của các trường học phải được tiêm phòng đầy đủ, riêng với vùng kiểm soát tối đa (vùng đỏ sẫm), tỷ lệ này là từ 80% tới 85%. Bên cạnh đó, việc số ca nhiễm mới COVID -19 giảm và khoảng 65% dân số đã được tiêm vaccine đủ liều đã giúp phụ huynh và học sinh yên tâm hơn bởi tỷ lệ bùng phát ổ dịch lớn tại các trường là khá thấp.
(Theo VTV)