Lớp học ấy không chỉ mang đến một không gian học tập mới lạ, hấp dẫn, kết nối học sinh từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa mà còn góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, hướng đến giáo dục hội nhập công nghệ 4.0.
Trực tiếp tham dự "Lớp học không biên giới” của Trường THCS Quang Trung được kết nối từ Bảo tàng tỉnh đến các trường THCS trên địa bàn tỉnh với tiết học mang chủ đề "Vùng đất Yên Bái từ thời nguyên thủy đến thế kỷ X” trong chương trình giảng dạy giáo dục địa phương môn Lịch sử lớp 6 mới thấy được sự hấp dẫn, thú vị và không khí học tập sôi nổi của thầy và trò.
Cô giáo Đặng Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung thông tin: Trong chương trình giáo dục địa phương có bài học về lịch sử của quê hương Yên Bái nên nhà trường đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh Yên Bái, đồng thời kết nối với 7 điểm cầu có sự tham gia của gần 1.000 em học sinh lớp 6 tại các trường khác trên địa bàn tỉnh để giúp các em học sinh có cái nhìn toàn diện và sinh động về kiến thức trong bài học thông qua những hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng. Các điểm cầu cách xa nhau từ vài chục đến gần 200 cây số nhưng khoảng cách địa lý được rút ngắn lại khi các em cùng được học chung một bài học tại cùng một thời điểm.
Đồng hành cùng với các em trong tiết học "không biên giới”, cán bộ thuyết minh của Bảo tàng trong vai cô giáo hướng dẫn bám sát nội dung bài học cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử của vùng đất Yên Bái thời kỳ nguyên thủy, thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc, thời kỳ Bắc thuộc tới các em học sinh.
Trình tự buổi học cũng giống như tiến hành trên lớp, nhưng tập trung vào việc hướng dẫn học sinh quan sát các hiện vật, tài liệu, tranh ảnh lịch sử tiêu biểu mà Bảo tàng trưng bày liên quan đến nội dung bài học. Mỗi hiện vật, mỗi hình ảnh và những thông tin là những giáo cụ trực quan sinh động làm bớt đi sự khô cứng, đơn điệu của những bài giảng lịch sử, tạo sự hứng thú cho học sinh khi được trực tiếp nhìn thấy những hiện vật và có sự tương tác giữa cô và trò tại các điểm cầu thông qua các câu hỏi và phần trả lời.
Để tiết học kết nối đạt chất lượng cao, các nhà trường phải nghiên cứu kỹ càng, bố trí phòng học kết nối với hệ thống máy tính và máy chiếu, đường truyền Internet tốc độ cao để đảm bảo hiệu quả giờ dạy.
Là một trong 52 học trò ở điểm cầu xa nhất tỉnh - Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải được tham gia lớp học này, em Sùng Thị Thù rất háo hức: "Em không chỉ được xem và nghe lại truyền thống lịch sử thông qua những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh để hiểu hơn về lịch sử của quê hương mình mà em còn được kết nối với các bạn ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh”.
Em Trần Hương Giang - lớp 6B, Trường THCS Quang Trung bày tỏ: "Em rất thích những tiết học như thế này, bởi em được trải nghiệm thực tế nên em thấy nhanh hiểu, nhanh nhớ bài học và có những cảm nhận không dễ có được khi chỉ học trên sách vở”.
Có thể thấy, những tiết học "không biên giới” đã đem đến sự hứng thú, vui vẻ và hấp dẫn đặc biệt với học sinh của các trường học tham gia bởi không chỉ gói gọn trong một lớp, một trường mà có sự mở rộng sang các trường bạn. Giáo viên và học sinh không những được trao đổi và hoàn thiện kiến thức, kỹ năng của bản thân mà còn được giao lưu, tăng tình đoàn kết giữa các nhà trường trên địa bàn tỉnh.
"Lớp học không biên giới” mà Trường THCS Quang Trung triển khai bước đầu đã cho thấy những hiệu quả tích cực. Đây chính là động lực cũng là tiền đề để nhà trường tiếp tục có những đổi mới đột phá, khoa học và bài bản, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong thời kỳ hội nhập; thể hiện nỗ lực trong việc tạo ra môi trường học tập toàn diện, thích ứng an toàn, linh hoạt trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Thanh Chi