Ở đó không chỉ có trách nhiệm của mỗi thầy cô mà còn có cả tình yêu thương vô bờ với những học trò vùng cao còn thiếu thốn và chịu nhiều thiệt thòi so với vùng thấp.
Góc nhỏ của thầy giáo Sùng A Chư - giáo viên lớp 4 trong thư viện của nhà trường tuy chật chội với chục chiếc bàn nhưng hơn 20 học trò rất trật tự, nề nếp. Tiết học hôm ấy, thầy Chư ôn cho các em về phép chia và viết chính tả.
Những đứa trẻ nhút nhát, ngơ ngác với những kiến thức học lại không khỏi khiến các thầy buồn lòng, nhưng đổi lại các thầy càng quyết tâm để vực dậy, lấp đầy những lỗ hổng kiến thức cho các em không chỉ bởi cam kết chất lượng mà còn bởi giúp những đứa trẻ vùng cao không nản lòng trước việc học tập.
Thầy Chư chia sẻ: "Đây là những em học sinh thuộc diện yếu của cả khối 4. Các em học buổi chiều, nên buổi sáng chúng tôi yêu cầu các em tới trường, lên lớp. Mỗi buổi dạy như vậy thông thường sẽ có 2 - 3 thầy cô giáo vừa giảng chung, vừa giảng riêng cho đến khi các em hiểu bài mới thôi. Bởi tâm lý chung nếu không hiểu bài các em rất dễ nản rồi bỏ học nên các thầy càng phải cố gắng hơn”.
Em Giàng Thị Pàng dù đã là học sinh lớp 4 nhưng khả năng viết chính tả còn rất yếu, đa phần là do cách phát âm tiếng Việt của em bị sai dẫn đến việc sai chính tả. Thầy Chư đã đề ra giải pháp xếp Pàng cùng một bạn khác luyện đọc và viết, bạn này đọc thì bạn kia chép chính tả và ngược lại.
Pàng chia sẻ: "Năm ngoái, cháu viết sai nhiều, đánh vần cũng yếu, cháu chán không học. Nhưng được các thầy cô động viên, rèn cho luyện đọc, luyện viết, làm phép tính cũng hiểu hơn nên cháu không còn chán học nữa”.
Câu chuyện nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là một bài toán khó. Bởi nhiều khó khăn mang tính chất vùng, đi kèm theo đó là nhận thức của người dân vẫn còn chưa thực sự quan tâm, nhất là vốn tiếng Việt của trẻ rất yếu khi bước vào bậc học phổ thông. Đã có những nỗ lực từ nhiều phía nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao như nâng cao tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi, tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức về công tác giáo dục...
Song, sự nỗ lực từ chính thầy cô giáo đang là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay. Góc nhỏ yêu thương và trách nhiệm ở Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn cũng bắt đầu từ sự nỗ lực của thầy cô kèm cặp cho học sinh yếu kém.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Bắt đầu từ học kỳ II, năm học 2020 - 2021, nhận thấy tình trạng học sinh lớp 1-2 chưa đọc thông viết thạo, làm toán yếu vẫn còn, nhà trường đã họp Ban Giám hiệu phân tích nguyên nhân, cùng đưa ra giải pháp thực hiện giao chất lượng giáo dục về từng tổ chuyên môn. Tuyên truyền, vận động các thầy cô kèm thêm ngoài giờ cho học sinh yếu. Cuộc vận động đã được đông đảo giáo viên trong Trường tham gia. Mỗi tổ đều xây dựng những kế hoạch riêng, cụ thể từ rà soát từng lớp học, lập danh sách, vận động phụ huynh, học sinh nỗ lực cùng thầy cô. Đến nay ngoài các góc nhỏ đó, các thầy cô còn dự định tận dụng nhiều điểm khác trong trường để nhân rộng”.
Các thầy cô ở Trường PTDTBT TH&THCS Hồ Bốn không thống kê đã dạy kèm học trò của mình bao nhiêu tiết học mà chỉ quan tâm đến sự thay đổi, tiến bộ của các em, đó cũng là nguồn động viên để các thầy cô tiếp tục nỗ lực cho mỗi góc nhỏ yêu thương và trách nhiệm, góp phần vào sự nghiệp giáo dục vùng cao.
Thanh Ba