Nhóm trẻ Thiên Thần, tổ Phiêng 1, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn mới đi vào hoạt động từ đầu năm học 2021 - 2022 với 46 học sinh cho 2 lớp. Được hình thành theo chủ trương phát triển cơ sở GDMN ngoài công lập nên nhóm trẻ được tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ về chuyên môn, song cơ sở vật chất phục vụ cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ thì nhóm trẻ phải tự sắm mới, đồng thời để giữ chân được giáo viên thì chi trả lương cho mỗi giáo viên hàng tháng cũng khá cao từ 3,5 triệu đồng đến 4,5 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Oanh - chủ nhóm trẻ Thiên Thần chia sẻ: "Do tình hình dịch Covid-19, nhóm trẻ đã cho các con nghỉ học từ khi Sơn Thịnh là vùng đỏ. Thành lập nhóm trẻ ngoài công lập ở đây đã có nhiều khó khăn từ việc người dân chưa có thói quen gửi con tại các đơn vị tư thục cũng như nộp học phí cho con cao hơn công lập… giờ lại thêm việc phải đóng cửa vì dịch Covid-19, khó khăn chồng chất khó khăn.
Chúng tôi đang cố gắng vận động giáo viên chia sẻ khó khăn với đơn vị, đồng thời vận động các cô xây dựng các video hướng dẫn dạy trẻ tại nhà cho phụ huynh. Tận dụng các nền tảng mạng xã hội vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục vừa quảng bá về nhóm trẻ để thu hút được học sinh. Chúng tôi cũng tính toán sẽ hỗ trợ giáo viên thực hiện video trong thời gian nghỉ dịch này”.
Một trong những lo lắng nhất của nhóm trẻ Thiên Thần trong đợt nghỉ dịch này là việc giữ chân được các giáo viên. Bởi nghỉ dịch đồng nghĩa với việc không có lương, các cô giáo phải tìm kiếm việc làm khác, việc trở lại trường sẽ không còn chắc chắn. Đồng thời, lý do tài chính cũng không kém phần quan trọng khi vốn đã được bỏ ra mà chưa hoạt động được bao lâu đã phải nghỉ do dịch.
Trường Mầm non Hồng Ngọc thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cũng vừa mới đầu tư và đi vào hoạt động dãy phòng học chất lượng cao từ đầu năm học 2021 - 2022 song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường đã phải ngừng hoạt động từ ngày 21/1/2022.
Ông Nguyễn Văn Phú - chủ Trường Mầm non Hồng Ngọc chia sẻ: "Trường mới đầu tư phòng học chất lượng cao, đi kèm với đó là trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy học. Nhưng lúc này nghỉ dịch, học sinh không tới trường, đồng nghĩa với việc nhà trường không có nguồn thu bù lại, trong khi tiền lãi ngân hàng hàng tháng vẫn phải trả đều nên chúng tôi đang gặp khó. Cùng với đó, các cô giáo cũng không có lương. Các cô giáo phải xoay qua bán hàng, tìm việc làm… rất khó khăn. Chúng tôi cũng động viên các cô giáo cùng chung tay chia sẻ khó khăn với trường trong tình hình dịch bệnh này”.
Là một trường mầm non ngoài công lập có bề dày ở thành phố Yên Bái, hàng năm nhà trường thu hút gần 200 trẻ, đội ngũ giáo viên với 21 người đa số có trình độ đại học, nhiều cô giáo đã gắn bó với Trường đã gần 20 năm nay, việc nghỉ dịch không có lương cũng khiến các cô giáo gặp nhiều khó khăn.
Cô giáo Phùng Thị Thu Phương - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Hồng Ngọc chia sẻ: "Đặc thù của các đơn vị tư thục là lương của giáo viên phụ thuộc vào tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm học 2021 - 2022 đến nay, nhà trường đã có 2 đợt phải nghỉ, cộng với việc do ảnh hưởng dịch bệnh học sinh nghỉ học nhiều nên lương giáo viên cũng giảm hơn trước.
Sau tết Nguyên đán, nhà trường cho học sinh nghỉ từ 21/1 đến nay đã hơn 1 tháng, các cô giáo đã phải quay ra bươn chải bằng nhiều việc làm thời vụ khác. Qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng, các giáo viên trong trường đều mong muốn dịch bệnh qua nhanh để có thể quay trở lại dạy học. Vì chúng tôi đều yêu nghề, yêu trẻ”.
Toàn tỉnh hiện có 14 trường mầm non và 40 nhóm trẻ ngoài công lập với 306 cán bộ, giáo viên. Trong đó, thành phố Yên Bái là địa phương có nhiều đơn vị mầm non ngoài công lập nhất với 18 trường mầm non và nhóm trẻ với 288 cán bộ giáo viên. Do dịch bệnh, hiện các trường mầm non trên địa bàn toàn thành phố đã tạm thời đóng cửa. Vì thế đối mặt với khó khăn về tài chính khi học sinh nghỉ không có nguồn thu; giáo viên nghỉ dạy và phải xoay xở làm thêm trong giai đoạn này.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị với Chính phủ có những chính sách hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở GDMN, phổ thông ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, các cơ sở GDMN ngoài công lập mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ dài hơi. Trong đó, có chính sách hỗ trợ lương cơ bản cho giáo viên ở một mức độ phù hợp; khoanh nợ, tạo điều kiện cho các chủ trường dừng trả nợ gốc để bớt đi áp lực trả nợ hàng tháng; giảm lãi suất các khoản đã vay; giảm hoặc không thu các loại thuế doanh nghiệp sau khi nhà trường được hoạt động trở lại…
|
Thanh Ba