Thông tin mù mờ, nhà trường than khó
Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Các em chọn năm môn khác từ ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trường trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, theo chương trình THPT mới với nhiều thay đổi từ nội dung chương trình, hướng giáo dục nghề nghiệp và đặc biệt là thay đổi sự lựa chọn môn học cho học sinh.
Tuy nhiên, sẽ nhiều khó khăn chờ đợi nhà trường ở phía trước.
Thầy Bình cũng cho rằng, điều này tốt vì giúp cho các em học sinh có cơ hội tốt tiếp cận với năng lực, sở thích, nguyện vọng nghề nghiệp của mình để lựa chọn các môn phù hợp nhất.
Ở phương án thứ nhất, thầy Bình cho biết, 2 tuần qua nhà trường đã họp, thảo luận để tìm ra một phương án có hiệu quả nhất. Theo đúng lý thuyết, nếu để học sinh tự lựa chọn, có 108 cách chọn năm môn này.
"Điều này dẫn đến thực trạng là sẽ có một số môn có thể rơi vào tình trạng ít được các em học sinh trong cùng một trường lựa chọn dẫn tới vỡ trận. Với tổ hợp nhiều như vậy thì khó khăn lớn nhất là không nhà trường nào hiện nay có thể đáp ứng được nhu cầu học của các em học sinh”- thầy Bình chia sẻ.
Ở phương án thứ 2, thầy Bình cho rằng, nhà trường sẽ hướng dẫn cho các em cách lựa chọn, tổ hợp các môn mình yêu thích.
Theo đó, nhà trường tiến hành khảo sát cho các em đăng ký từ 1 đến 3 nguyện vọng. Sau khi xong thì sẽ tổng hợp lại để xem các em học sinh lựa chọn tập trung nhiều nhất vào tổ hợp môn nào. Căn cứ số lượng, số lớp mà học sinh đăng ký, nhà trường sẽ lựa ra những tổ hợp mà phù hợp với đội ngũ giáo viên, trang thiết bị học của nhà trường.
"Tôi cho rằng năm đầu sẽ có những khó khăn nhưng các trường sau này sẽ định hình những mô hình phát triển riêng của từng nhà trường. Có trường mạnh về khoa học tự nhiên, có trường mạnh về khoa học xã hội và trường mạnh đều lên. Khi đó, các em lựa chọn sẽ dễ dàng hơn.
Cũng theo thầy Bình, chương trình này chỉ còn vài tháng nữa sẽ thực hiện nhưng dường chưa có hướng dẫn gì ngoài giới thiệu chương trình sách giáo khoa cho các trường lựa chọn.
"Nhưng điều quan trọng là sự lựa chọn môn học của các em, quá trình giáo dục xuyên suốt trong 3 năm như thế nào để cha mẹ học sinh có thông tin thì hiện nay lại còn rất mù mờ”- thầy Bình nói.
Cô Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, đối với hai môn học rất mới của bậc THPT là Âm nhạc và Mỹ thuật, nhà trường hiện chưa đủ cơ sở vật chất để chuẩn bị.
Theo cô Quỳnh, phòng học âm nhạc, phòng vẽ cũng như đội ngũ giáo viên có lẽ chưa phù hợp chưa bắt kịp được triển khai môn tự chọn. Còn các môn khác cũng phải tùy vào tình hình thực tế đội ngũ của nhà trường và học sinh đăng ký làm sao có sự điều chỉnh cần thiết sao cho có sự phù hợp.
Cô Quỳnh cũng cho rằng, ở các môn tự chọn ở hai tổ hợp còn lại thì phù thuộc vào sự khéo léo của ban giám hiệu trong khâu tổ chức.
Tổng chủ biên chương trình nói gì?
Trả lời báo chí GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, ông không bất ngờ khi về lý thuyết có đến hàng trăm tổ hợp môn lựa chọn khi triển khai chương trình lớp 10 bởi khi thiết kế các môn học, các chuyên gia toán học đã dự báo về điều này.
Cũng theo GS Thuyết, trong tính toán đã xác định 2 dữ kiện quan trọng là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế.
Tác giả Chương trình giáo dục phổ thông mới gợi ý, học sinh chọn học các chuyên đề của 3 môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình.
Còn về phía nhà trường, cách đơn giản nhất là tổ chức các lớp học cố định để học các môn học bắt buộc như trước nay. Tổ chức các lớp học chuyên đề và xác định sĩ số mỗi lớp theo đúng quy định. Nếu sĩ số đăng ký vượt với sĩ số lớp học theo quy định thì học sinh chuyển sang nguyện vọng 2. các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế”, ông Thuyết nhấn mạnh.
"Trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế”, ông Thuyết nhấn mạnh.
Để khắc phục khó khăn trước mắt về biên chế giáo viên, theo GS Thuyết, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có thể điều động hoặc ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy những môn học này từ các cấp học khác, các trường chuyên nghiệp.
(Theo TPO)