Ba nhóm trẻ cần quan tâm
Các chuyên gia tâm lí có chung nhận định, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi khá nhiều thói quen sinh hoạt có thể dẫn đến việc trẻ căng thẳng, lo lắng hoặc buồn bã quá mức, thói quen ăn ngủ không lành mạnh và khó tập trung chú ý. Thậm chí khiến trẻ dễ nổi nóng, gây hấn hoặc thất vọng, chán nản.
Bác sĩ Nguyễn Minh Quyết, khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tỉ lệ mắc trầm cảm chung ở trẻ em là 2%. Ở lứa tuổi vị thành niên, tỉ lệ này dao động từ 5% đến 8%. Tỉ lệ này phổ biến hơn ở trẻ sau tuổi dậy thì. Một số yếu tố nguy cơ của trầm cảm bao gồm gia đình có người mắc các rối loạn cảm xúc, có 1 đợt trầm cảm trước đó, thất bại trong học tập, xung đột trong gia đình, quan hệ bạn bè… Bên cạnh đó, tình trạng bị bắt nạt và dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội có thể liên quan đến trầm cảm.
Tại khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) thời gian qua đã tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên đến khám các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bác sĩ Trần Thị Sáu, khoa Khám bệnh cho biết, đa số các bệnh nhân đến khám đều chung một nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phải học trực tuyến thời gian dài.
Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E), Giảng viên Trường ĐH Y Dược - ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: "Không phải việc học ở nhà là tiêu cực. Chúng ta phải nhìn nhận luôn có 2 tình huống là những trẻ có tính tự giác, có mục tiêu rõ ràng trong việc học tập thì việc học trực tuyến hay trực tiếp không ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Tuy nhiên, với một số học sinh gặp khó khi thích nghi xã hội, việc chuyển đột ngột từ hình thức học trực tuyến sang trực tiếp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí của các em”.
|
Bác sĩ Chung cho biết trong 2 năm đại dịch, số lượng trẻ đến khám bệnh về sức khỏe tâm thần khá đông sau mỗi đợt giãn cách, đặc biệt khi trẻ quay lại trường học. Thực tế khám chữa bệnh tại khoa Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện E) có 3 nhóm học sinh cần phải được quan tâm đến sức khỏe tâm thần khi trở lại trường. Đó là những trẻ có sẵn tình trạng nghiện game, việc học trực tuyến tạo điều kiện cho trẻ chơi game nhiều hơn, nhiều trẻ bỏ bê việc học chỉ tập trung vào game. Do vậy khi quay trở lại trường học, trẻ không chịu đi học, liên tục trốn học để chơi game. Khi bị ép trẻ sẽ có hành vi không phù hợp tại lớp học như bỏ làm bài, làm việc riêng trên lớp, nói chuyện riêng, chống đối giáo viên...
Tiếp đó là những trẻ hay có xu hướng bị bắt nạt tại trường, những trẻ có tính cách nhút nhát, ngoại hình không được tốt (quá mập, thấp bé), hay trẻ có vấn đề về nhận dạng giới tính, khó giao tiếp, tiếp xúc với người khác… Với những trường hợp này cha mẹ và nhà trường cần hết sức lưu ý. Ngoài ra còn có nhóm trẻ bị rối loạn sự thích ứng, trở nên căng thẳng lo lắng, mất ngủ khi đi học.
Dấu hiệu nhận biết
Bác sĩ Chung lưu ý người lớn nên để ý những dấu hiệu bất thường ở trẻ như cứ đi học là có biểu hiện mệt, đau bụng, chóng mặt. "Đây chính là những phản ứng lại với stress, lo âu. Trẻ thường có giấc ngủ kém, hay bị mơ, gặp ác mộng… Tình trạng này kéo dài khiến trẻ không tập trung vào việc học và có thể gây một số bệnh lí về tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm…”, bác sĩ Chung cho hay.
TS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, căng thẳng trong học tập, không đáp ứng sự kì vọng của gia đình, hoặc kì vọng quá cao với bản thân, khối lượng bài vở nhiều, mất cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi thư giãn, thiếu sự động viên, khích lệ của các thầy cô giáo, môi trường học đường bất ổn, gặp trở ngại trong các mối quan hệ tình cảm… là những yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn tâm thần ở trẻ em.
Các chuyên gia cũng chỉ ra những nguy cơ mà trẻ phải đối mặt khi trở lại trường như tình trạng lôi kéo, sử dụng chất kích thích, hay tình trạng bị lạm dụng về thể chất, lời nói, cảm xúc nên cha mẹ cần hết sức chú ý và đồng hành cùng trẻ trong giai đoạn này. Đặc biệt, cha mẹ cần gần gũi để thấu hiểu tâm tư của con thay vì la mắng, áp đặt.
"Khi trẻ có các dấu hiệu như mất ngủ, lo âu, đau bụng, chóng mặt, buồn nôn… tất cả mọi thứ liên quan đến áp lực học tập, buồn chán, chậm chạp, ít nói cần cho trẻ đi khám ngay để có những biện pháp can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Chung lưu ý.
(Theo TPO)