Dạy học theo phương pháp mới
Mới đây, tại buổi sinh hoạt chuyên đề "Hiểu đúng và trúng để triển khai hiệu quả CT GDPT 2018” do Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) phối hợp với Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức, PGS-TS Dương Bá Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho biết, khác biệt lớn nhất của CT GDPT 2018 so với trước đây là dạy học hướng đến yêu cầu cần đạt của chương trình chứ không phải kiểm tra, đánh giá nội dung trong sách giáo khoa. Do đó, giáo viên có thể chủ động lựa chọn nội dung giảng dạy phù hợp, không bắt buộc dạy hết tất cả kiến thức trong sách giáo khoa. Ngoài ra, ở chương trình cũ, học sinh (HS) nắm vững kiến thức là giáo viên hoàn thành tiết dạy, nhưng tới đây khi triển khai chương trình mới, người học được yêu cầu cao hơn là phải biết vận dụng và mô tả lại kiến thức.
Thầy Đinh Nguyễn Đông Triều, giáo viên Toán, Trường THPT Nguyễn Du, bày tỏ: "Sĩ số HS đang là một trong những rào cản khiến giáo viên gặp khó khi thực hiện yêu cầu tương tác cao hơn với HS. Để HS mô tả được kiến thức, giáo viên phải tăng thêm thời lượng giảng dạy vì từ hiểu biết đến mô tả kiến thức đòi hỏi nhiều kỹ năng, kiến thức của HS”.
Ở góc độ là một người mẹ có con năm nay vào lớp 10, cô Hồ Thị Phương Thảo, giáo viên Sinh học, Trường THPT Nguyễn Du, chia sẻ, hiện nay phụ huynh và HS đang khá rối trước việc được trao quyền lựa chọn các môn học.
"Chương trình mới chú trọng dạy học theo phẩm chất và năng lực người học nên đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải đồng hành cùng HS. Bản thân tôi cũng lo lắng không biết tư vấn thế nào để HS và phụ huynh lựa chọn được môn học phù hợp, nếu lỡ chọn không đúng có thể chọn lại không?”, nữ giáo viên bày tỏ.
Ngoài ra, theo thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực của các trường phổ thông hạn chế hơn so với khối đại học. Trong đó, tổng số phòng học và biên chế nhân sự đã ổn định, không thể "nở nồi” theo kết quả lựa chọn môn học của HS. Nếu phương án dạy học không được tính toán kỹ có thể dẫn đến tình trạng dư thừa hoặc thiếu giáo viên ở một số môn học, chưa kể sẽ có môn bị "xóa sổ” do không có HS đăng ký. Điều này đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt của các trường trong tổ chức giảng dạy, làm sao đạt được yêu cầu phân hóa mà chương trình đang hướng tới nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với các điều kiện thực tế của đơn vị.
Đào tạo cấp thiết nguồn giáo viên
Đánh giá về công tác chuẩn bị nhân sự ở các trường phổ thông khi triển khai CT GDPT 2018, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, một số bộ môn hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về giáo viên. Đơn cử, trong chương trình phổ thông mới, bậc THPT yêu cầu 2 tiết/tuần với các môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) nhưng hiện các trường không có nguồn tuyển giáo viên.
Lý giải thực tế này, PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn, cho biết, hiện nay tại TPHCM chỉ có Trường Đại học Sài Gòn đào tạo ngành Sư phạm mỹ thuật nhưng tuyển sinh rất khó, chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, ngành Sư phạm âm nhạc mặc dù tuyển sinh khả quan hơn nhưng sinh viên ra trường không đi dạy mà đi hát phòng trà, chọn các công việc khác thu nhập cao hơn đi dạy ở trường phổ thông. Từ thực tế đó, đại diện Trường Đại học Sài Gòn kiến nghị Sở GD-ĐT TPHCM nghiên cứu phương án không tuyển giáo viên dạy các môn nghệ thuật theo đơn vị trường mà tuyển chung cho nhiều trường.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ, tuyển giáo viên liên trường thay vì tuyển dụng cho từng trường riêng lẻ là một trong những giải pháp tình thế trong bối cảnh thiếu giáo viên nghệ thuật hiện nay, tuy nhiên đòi hỏi nhiều quy định quản lý đi kèm như biên chế, số tiết dạy của giáo viên. Trước mắt, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp như hợp đồng giáo viên thỉnh giảng, tạo điều kiện cho giáo viên dạy các môn nghệ thuật ở cấp THCS dạy học ở THPT với điều kiện đáp ứng yêu cầu về giảng dạy…
Bên cạnh khó khăn về nhân sự khi triển khai các môn học mới, ghi nhận từ các trường THPT cho thấy, 2 môn học đã triển khai trước đó trong chương trình cũ là tiếng Anh và Tin học cũng thiếu nguồn tuyển giáo viên. Nhiều năm trước đây, Trường Đại học Sài Gòn tuyển sinh ngành Sư phạm tin học nhưng rất ít sinh viên đăng ký.
Trước yêu cầu triển khai CT GDPT 2018, đơn vị này cho biết, đang xây dựng lại đề án mở ngành Sư phạm tin học để đào tạo giáo viên cho các năm kế tiếp. Để triển khai hiệu quả CT GDPT 2018, TS Nguyễn Thanh Nga, giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, nhận định, các trường cần sớm công bố kế hoạch dạy học, qua đó giúp HS có thông tin lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp điều kiện thực tế của đơn vị.
Theo CT GDPT 2018, 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đối với lớp 10 gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp và Giáo dục địa phương. Hai môn học tự chọn gồm Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Ngoài ra, học sinh bắt buộc chọn 5 môn trong 3 nhóm môn học (gồm Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và nghệ thuật), 3 cụm chuyên đề học tập phù hợp nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
(Theo SGGP)