Hoạt động SKHĐ được dựa trên các yếu tố: chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh; giáo dục thể chất, thể thao trường học; bữa ăn học đường, dinh dưỡng hợp lý; tuyên truyền, giáo dục SKHĐ và ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc, quản lý sức khỏe học sinh.
Theo đó, công tác chăm sóc, bảo vệ và quản lý SKHĐ được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ. Trong đó, các trường học chú trọng kiểm tra sức khỏe cho học sinh đầu năm học theo quy định; duy trì và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế học đường; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư y tế. 100% trường học có nhà vệ sinh cho học sinh; tổ chức bữa ăn học đường chất lượng, căng tin trường học đảm bảo các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định. Bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học.
Ngoài ra, các trường học theo dõi sức khỏe và quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh. Nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động SKHĐ chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, nguồn bảo hiểm y tế và được sử dụng có hiệu quả…
Tuy nhiên, hiện các hoạt động giáo dục thể chất, thể thao trường học chưa đồng bộ; một số trường học vùng khó khăn trang thiết bị giáo dục thể chất còn thiếu; lực lượng giáo viên thể chất chưa đảm bảo, chủ yếu là kiêm nhiệm.
Số trường học tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn đạt chuẩn theo quy định còn thấp; công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều khó khăn, nhất là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa do điều kiện còn thiếu thốn; học sinh mắc bệnh học đường tăng…
Trên cơ sở bám sát mục tiêu Chương trình SKHĐ giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt, hướng đến duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt hướng tới bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh; đặc biệt là 5 nhóm nội dung quan trọng và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tích cực, từ đặc thù và điều kiện thực tế của địa phương, tháng 12/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc triển khai Chương trình SKHĐ giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch xây dựng trên cơ sở rà soát thực trạng và đề ra chỉ tiêu phấn đấu, các nhóm nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, tập trung bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo triển khai hiệu quả công tác SKHĐ, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Tăng cường, nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên chuyên trách phục vụ y tế học đường. Đổi mới giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học theo hướng cá thể hóa người học, khuyến khích phát triển môn bơi, môn bóng, các thể thao dân tộc. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh và tập trung truyền thông, giáo dục, vận động xã hội…
Chương trình SKHĐ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ trẻ em khoẻ mạnh, năng động, trưởng thành đúng như mục tiêu của giáo dục phổ thông được quy định trong Luật Giáo dục 2019, nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo cho người học.
Để hiệu quả, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của ngành giáo dục và đào tạo, ngành y tế, đặc biệt là sự gắn kết, cộng đồng trách nhiệm giữa gia đình và nhà trường trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục học sinh.
Thu Hiền