Chương trình hành động số 56-CTr/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 đề ra mục tiêu tổng quát là "Phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, tạo khí thế và động lực mới trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, những yêu cầu nhiệm vụ với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) như thêm động lực để ngành thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Có thể thấy, việc thực hiện các nhiệm vụ chung trong Chương trình hành động số 56 về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể ở từng địa phương, cơ sở; phát huy vai trò của nhà trường trong xây dựng môi trường văn hóa, con người; xây dựng hình ảnh con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” cũng là mục tiêu mà ngành hướng tới trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, đặc biệt là việc gìn giữ các giá trị văn hóa trong trường học. Sở GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; phát huy vai trò của nhà trường trong xây dựng môi trường văn hóa, con người.
Ngay trong những tháng đầu năm 2022, ngành đã hoàn thành việc khảo sát, sưu tầm tư liệu, họp Ban biên soạn và hoàn thiện bài mẫu tài liệu và bước đầu tổ chức dạy thực nghiệm và hoàn thiện bản thảo Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 3. Đồng thời, ngành tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện việc triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Bên cạnh đó, ngành đã cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục thực hiện triển khai thí điểm việc khảo sát, đánh giá theo bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc” tại 4 trường: Mầm non Thực hành, Tiểu học Nguyễn Trãi, THCS Quang Trung và THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh triển khai xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc” phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng trường chuẩn quốc gia được tiếp tục đẩy mạnh góp phần rất lớn vào sự phát triển của giáo dục Yên Bái.
Bên cạnh đó, các đề án như Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Đề án triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025 liên tục được đôn đốc triển khai.
Sau một năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp nhà trẻ đạt 23,1% (công lập 19,4%, ngoài công lập 3,7%); mẫu giáo đạt 94,6% (công lập: 90,8%, ngoài công lập: 3,7%).
Năm học 2021 - 2022, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành có 29 lớp, 1.029 học sinh. Tuyển mới 2 lớp 6 với 79 học sinh; 9 lớp 10 với 314 học sinh; 71,3% học sinh đạt học lực giỏi (chỉ tiêu của Đề án là 70%); 88% học sinh lớp chuyên Anh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ 6.5 đến 8.0 (chỉ tiêu của Đề án là 100%); tỷ lệ học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia đạt giải 47% (chỉ tiêu của Đề án là 60%); tỷ lệ học sinh đỗ đại học là 98,2% (chỉ tiêu Đề án là 98%); có 130 học sinh giỏi cấp tỉnh (tăng 15 giải), 13 học sinh đạt huy chương Cuộc thi "Đấu trường Toán học châu Á - AIMO, 34 học sinh đạt bằng khen người chiến thắng.
Công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS, THPT là nhiệm vụ quan trọng mà ngành triển khai thực hiện trong nhiều năm nay, nhằm tạo ra định hướng phù hợp với nhu cầu nguồn lao động của xã hội. Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy cũng yêu cầu 26% học sinh tốt nghiệp THCS và 44,5% học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 17/2/2022 về triển khai thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022.
Đồng thời, Ban hành Công văn số 154/SGD ĐT-GDTrH ngày 24/2/2022 hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022 và kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông năm 2022.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện việc đưa chương trình giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương và các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình giáo dục từ bậc tiểu học đến THPT, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tiếp tục thực hiện giảng dạy nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình giáo dục chính khóa các môn học và hoạt động giáo dục theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT; thực hiện giảng dạy nội dung giáo dục địa phương theo Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Đối với các lớp còn lại, thực hiện theo nội dung tài liệu "Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương và các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và cấp phát cho các nhà trường.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp hợp lý quy mô, mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; thực hiện rà soát, sắp xếp các trường phổ thông dân tộc nội trú phù hợp với địa bàn, đối tượng tuyển sinh. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục 173/173 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2 (trong đó có 94/173 đơn vị cấp xã và 6/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3).
Đẩy mạnh huy động trẻ nhà trẻ ra lớp ngoài công lập. Tính đến tháng 1/2022 toàn tỉnh có 54 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có 13 trường mầm non và 41 nhóm, lớp độc lập tư thục. Tỷ lệ huy động trẻ học tại các cơ sở ngoài công lập: trẻ nhà trẻ đạt 3,7%; mẫu giáo đạt 3,7%...
Với cách làm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp với chức năng của từng đơn vị; đồng thời, đôn đốc thực hiện theo kế hoạch chi tiết tới từng đơn vị, cá nhân, ngành GD&ĐT đang lấy Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy làm động lực để thực hiện toàn diện các nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, liên tục, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
Minh Tư