Rối rắm việc xét thi đua cuối năm đối với những giáo viên dạy các môn tích hợp

  • Cập nhật: Chủ nhật, 5/6/2022 | 8:25:22 AM

Các trường sẽ thực hiện ra sao khi kết quả giảng dạy của các môn Khoa học tự nhiên có 3 giáo viên giảng dạy; môn Lịch sử và Địa lý có 2 giáo viên cùng đảm nhận?

Các môn tích hợp đang được đa số các trường bố trí 2-3 giáo viên cùng giảng dạy. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Các môn tích hợp đang được đa số các trường bố trí 2-3 giáo viên cùng giảng dạy. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở. Điều đặc biệt là ở lớp 6 năm nay có một số môn học tích hợp như: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý.

Đối với môn Khoa học tự nhiên thì năm học này đa phần các trường đang phải phân công 3 giáo viên dạy vì nó có phân môn Vật lí, Hóa học và Sinh học. Môn Lịch sử và Địa lý thì phân công 2 giáo viên cùng giảng dạy.

Vì thế, về cơ bản là phân môn của ai người đó dạy nhưng khi kiểm tra cuối học kỳ thì bài kiểm tra định kỳ chung và tất nhiên là cuối năm học thì các môn tích hợp dù có tới 2-3 giáo viên dạy cũng đều quy về một kết quả.

Trong khi, học sinh không phải bao giờ cũng học giỏi tất cả các phân môn nên có phân môn học tốt và cũng có phân môn học chưa tốt nên điểm số thành phần của từng phân môn cũng khác nhau.

Chính vì thế, các nhà trường và giáo viên dạy các phân môn đối với các môn tích hợp cũng đang băn khoăn khi cuối năm học thì tính kết quả giảng dạy cho giáo viên như thế nào khi kết quả môn học thì chung điểm nhưng giáo viên thì đang dạy riêng lẻ từng phân môn?

Kết quả học tập của học trò đang được dùng để đánh giá, xếp loại giáo viên

Cuối năm học, giáo viên các trường phổ thông phải thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong đó, có mục "Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (xác định rõ nội dung công việc thực hiện; tỷ lệ hoàn thành, chất lượng, tiến độ công việc)” thì bắt buộc giáo viên phải thống kê chất lượng giảng dạy của mình.

Đối với việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo hướng dẫn của Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT thì giáo viên phải thực hiện các minh chứng.

Theo hướng dẫn của Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 ban hành quy định chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thì: "Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh lớp dạy/chủ nhiệm có sự tiến bộ/vượt mục tiêu đề ra” được minh chứng cho rất nhiều tiêu chí của các tiêu chuẩn.

Đặc biệt, khi thực hiện việc xét thi đua cuối năm cho từng giáo viên thì bắt buộc phải có kết quả giảng dạy của giáo viên. Nếu giáo viên nào mà có tỉ lệ giảng dạy yếu kém cao hơn chỉ tiêu đầu năm thì đương nhiên sẽ bị cắt thi đua.

Chính vì thế, chúng ta thấy việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức; đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên; xét thi đua cuối năm của giáo viên đều cần kết quả học tập của học sinh bởi kết quả học tập của học sinh cũng là kết quả giảng dạy của các thầy cô giáo.

Nếu như học sinh các lớp mình dạy có tỉ lệ học sinh giỏi, khá cao, tỉ lệ yếu, kém thấp thì đương nhiên là giáo viên sẽ được xếp loại ở mức cao và được xét danh hiệu thi đua.

Ngược lại, nếu tỉ lệ giỏi, khá thấp mà yếu, kém cao thì giáo viên rất khó được đánh giá, xếp loại ở mức cao mà việc xét danh hiệu thi đua cũng rất khó được nhà trường đề nghị cấp trên ra quyết định.

Hơn nữa, việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức; đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được lưu vào hồ sơ cá nhân và các minh chứng của chuẩn nghề nghiệp nhà giáo còn được cập nhật trên phần mềm TEMIS của Bộ.

Riêng với danh hiệu thi đua cũng là điều mà các giáo viên đều hướng tới vì đó là thành quả sau một năm công tác, giảng dạy và cả tâm huyết của những thầy cô giáo với nhà trường.

Đối với các môn tích hợp sẽ được tính như thế nào cho giáo viên?

Chính vì năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện giảng dạy các môn học tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 nên thời điểm này mọi hướng dẫn của cấp trên vẫn chưa thấy đề cập đến vấn đề này.

Song, có một thực tế là nhiều địa phương đã tổng kết năm học và tất nhiên phải tiến hành việc đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức; đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên; xét thi đua cuối năm của giáo viên.

Vậy, các trường sẽ thực hiện ra sao khi mà kết quả giảng dạy của các môn Khoa học tự nhiên có 3 giáo viên giảng dạy; môn Lịch sử và Địa lý có 2 giáo viên cùng đảm nhận?

Chẳng hạn như môn Lịch sử và Địa lý ở lớp 6 hiện nay mỗi tuần có 1,5 tiết nên các trường thực hiện học kỳ I sẽ bố trí 1 tiết cho phân môn Lịch sử và 2 tiết phân môn Địa lý, khi kiểm tra học kỳ thì điểm của phân môn Lịch sử sẽ là 4 và điểm phân môn Địa lý là 6 trên thang điểm 10.

Đến học kỳ II thì bố trí ngược lại, trường sẽ bố trí 2 tiết cho phân môn Lịch sử và 1 tiết phân môn Địa lý, khi kiểm tra học kỳ thì điểm của phân môn Lịch sử sẽ là 6 và điểm phân môn Địa lý là 4 trên thang điểm 10.

Nhưng, điểm phân môn Địa lý thường rất cao và điểm phân môn Lịch sử thường thấp hơn nên những giáo viên dạy phân môn Địa lý sẽ không mặn mà khi lấy kết quả chung của cả môn học Lịch sử và Địa lý để làm kết quả giảng dạy của mình sau một năm giảng dạy.

Đối với môn Khoa học tự nhiên còn khó hơn vì nó có tới 3 phân môn là Hóa học, Sinh học và Vật lí nên khi tính tỉ lệ cho các bài kiểm tra không tránh khỏi những khó khăn cho các tổ chuyên môn ở các trường trung học cơ sở.

Bởi, cái khó là hiện nay giáo viên vào điểm phần mềm điện tử, cuối mỗi học kỳ, và điểm trung bình cả năm được phần mềm tính chung cho cả môn học chứ không thể tính riêng cho từng giáo viên dạy từng phân môn.

Rõ ràng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai giảng dạy nhưng phần bồi dưỡng cho giáo viên có phần chậm trễ. Bộ chủ trương là một giáo viên dạy cả môn học tích hợp nhưng dưới cơ sở thì chưa thể thực hiện được vì giáo viên được đào tạo đơn môn.

Muốn giáo viên dạy được môn tích hợp thì phải bồi dưỡng cho giáo viên nhưng việc này đa phần các địa phương chưa triển khai được trong năm học này. Thành ra, đang phải bố trí từ 2-3 giáo viên dạy chung 1 môn học.

Cuối năm, kết quả mỗi phân môn khác nhau nhưng lại quy về một đầu điểm nên giáo viên những phân môn có điểm cao không muốn nhận kết quả chung của cả môn học. Nhưng, biết làm sao bây giờ vì mỗi môn học có nhiều đầu điểm thường xuyên, định kỳ khác nhau và 2-3 giáo viên cùng giảng dạy.

(Theo GDVN)

Các tin khác
Em C và hai bạn bị

Sau lễ tổng kết năm học, em NYC và hai bạn học cùng khối 7 của Trường Tiểu học và THCS Xuân Lai (Yên Bái) bị nhóm năm học sinh khối trên lôi vào phòng vệ sinh “đánh hội đồng”.

Các trường vùng cao Yên Bái tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT 2022

Ôn luyện theo hình thức cuốn chiếu, dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh, kèm cặp, giúp đỡ nhóm học sinh yếu kém…là những "chiến thuật" mà các trường vùng cao đang rốt ráo triển khai cho học sinh lớp 12 khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã cận kề.

Ảnh minh hoạ.

Ngày 2/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh- Trưởng ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đã ký ban hành Công văn số 1642-UBND/VX về việc tổ chức thi cho thí sinh là F0, ca bệnh nghi ngờ và F1 để phòng, chống dịch COVID-19 trong các kỳ thi năm 2022.

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo khẩn trương tổ chức hội thảo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện để đề xuất phương án phù hợp với môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục