Càng sớm càng tốt
Qua chương trình tư vấn mùa thi, nhiều giáo viên thừa nhận: Có không ít trường hợp học sinh lớp 12 vẫn chưa biết mình yêu thích nghề nào. Việc lựa chọn công việc của các em đa phần vì "nghe nói” lương cao, gia đình mong muốn hoặc chỉ đơn giản là chọn công việc theo trào lưu tại thời điểm đó.
Định hướng nghề nghiệp đối với cấp tiểu học nhằm giáo dục học sinh nhận biết công việc, nghề nghiệp, việc làm của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số nghề nghiệp cơ bản. Qua đó, hình thành các kỹ năng nhận thức, quản lý, khám phá bản thân, quản lý tài chính, kỹ năng giao tiếp. Giáo viên phát hiện, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu cho học sinh. Định hướng nghề nghiệp được tích hợp, lồng ghép vào các môn học và các hoạt động giáo dục của nhà trường.
|
TS Lê Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã có cuộc khảo sát trên 1.700 học sinh ở 63 tỉnh thành của cả nước. Kết quả cho thấy, hầu hết các em yêu thích nghề công an, quân đội, bác sĩ và giáo viên. Trong đó, ca sĩ là ngành nghề chiếm 2%, một tỷ lệ khá lớn trong tổng số 900 nghề hiện có tại Việt Nam.
Chính vì có đến 900 ngành nghề khác nhau, nên không thể phổ biến hết cho học sinh THCS và THPT chỉ trong một vài năm hướng nghiệp. Điều này dẫn đến có rất nhiều học sinh chỉ biết đến những ngành nghề quen thuộc trong gia đình và hay thường thấy trong xã hội, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý các em sau này khi chọn ngành nghề phù hợp. Vì vậy, việc hướng nghiệp cho học sinh ngay từ cấp tiểu học là điều cần thiết.
Cũng theo TS Lê Đông Phương, ở cấp tiểu học, các em rất tò mò và thích khám phá nhưng lại khó tập trung. Do đó, hướng nghiệp cho học sinh tiểu học nên tích hợp vào các môn học, điều này đòi hỏi nhà trường và giáo viên phải không ngừng nghiên cứu và sáng tạo phương pháp giảng dạy để giúp trẻ cảm thấy hứng thú và có nhận thức đúng ngay từ đầu về các ngành nghề đơn giản trong xã hội. Tiếp theo là tạo điều kiện cho các em tự khám phá sự khác biệt mỗi nghề nghiệp của các thành viên trong gia đình và nhà trường.
Hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh tiểu học hiện phổ biến ở các trường tiểu học quốc tế. Những môn học ngoài thiết lập kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức khoa học và tính toán còn giúp trẻ có khái niệm về những nghề nghiệp liên quan đến các môn học như nghiên cứu, kỹ sư, công nghệ thông tin.
Song song với chương trình trên lớp là các buổi ngoại khóa đa dạng hoạt động như: Dã ngoại, tham quan sở thú, hoạt động nghệ thuật, thể thao, các cuộc thi sáng tạo... Từ đó, giúp trẻ bồi đắp niềm đam mê và khám phá tài năng của bản thân để có định hướng nghề nghiệp yêu thích sau này.
Sẵn sàng triển khai
Nhận định việc hướng nghiệp cho học sinh cấp tiểu học là cần thiết, cô Đỗ Thị Kim Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Những năm qua, nhà trường đã tích hợp giáo dục hướng nghiệp qua các bài học trên lớp và học tập trải nghiệm để học sinh nhận biết dần cuộc sống xã hội, trong đó có hoạt động nghề nghiệp để các em định hình.
Cụ thể, qua những bài học Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hôi, Đạo đức, Khoa học, các em đều được cô giáo giới thiệu về những nghề nghiệp xung quanh. Học sinh được kể về bố mẹ, nêu cảm nhận về nghề nghiệp của người thân và nêu suy nghĩ mong muốn làm gì, sẽ lựa chọn nghề nghiệp gì trong tương lai.
Cùng với đó, học sinh được tham gia hoạt động ngoại khóa tại khu vui chơi. Ở đây, các em được tham gia các nghề như: Cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, nhiếp ảnh gia, nông dân, bác sĩ, phi công… Qua đó, các em mở mang kiến thức và đặc biệt là biết trân trọng các nghề nghiệp trong cuộc sống, những thành quả do sức lao động của con người làm ra.
Cô Ngô Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khương Đình (quận Thanh Xuân) cho rằng: Thông tư quy định công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp của Bộ GD&ĐT ban hành sẽ giúp cho các nhà trường thuận lợi hơn trong việc triển khai hoạt động hướng nghiệp, huy động được sự đóng góp, hỗ trợ của gia đình và xã hội.
Nhà trường sẽ có kế hoạch tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục; tổ chức cho học sinh tìm hiểu một số nghề nghiệp, việc làm phổ biến ở Việt Nam thông qua học cụ, công cụ lao động, hình ảnh, video clip và hoạt động sân khấu hóa. Đồng thời tạo môi trường, hỗ trợ học sinh nhận biết các nghề nghiệp, việc làm thông qua tham quan, trải nghiệm thực tế tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Giáo viên sẽ bồi dưỡng năng khiếu, rèn luyện kỹ năng cho học sinh thông qua quá trình học tập, hoạt động câu lạc bộ, ngoài giờ lên lớp...
Giáo viên, nhà trường có thể tổ chức cho học sinh tìm hiểu một số nghề nghiệp, việc làm phổ biến ở Việt Nam thông qua các học cụ, công cụ lao động, hình ảnh, video clip và hoạt động sân khấu hóa phù hợp với tính chất vùng miền của từng địa phương. Tạo môi trường, hỗ trợ học sinh nhận biết các nghề nghiệp, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế tại cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các đối tác tối thiểu 1 lần/năm học bảo đảm phù hợp với điều kiện của nhà trường. Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, rèn luyện kỹ năng cho học sinh thông qua quá trình học tập, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động ngoài giờ lên lớp...
|
(Theo GD&TĐ)