Kiên quyết ngăn chặn bạo lực học đường
Thượng úy Bùi Hải Nam - Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Yên Bái cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra một số vụ bạo lực học đường cả trong và ngoài nhà trường, được phát tán trên mạng xã hội. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc đều xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ. Sau khi lời qua tiếng lại trên mạng xã hội, các em đã hẹn gặp nhau và giải quyết mâu thuẫn bằng chân tay.
Các vụ bạo lực học đường (BLHĐ) thường xuất phát từ việc trêu đùa nhau trong quá trình sinh hoạt, học tập; tác động của mạng xã hội; tâm, sinh lý thay đổi của lứa tuổi học sinh; một bộ phận cha mẹ học sinh thiếu quan tâm đến diễn biến tâm lý, tình cảm của con em mình để uốn nắn kịp thời. Ngoài ra, vai trò của một số tổ chức đoàn, hội, đội và giáo viên chủ nhiệm tại một số nhà trường chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Trước thực trạng này, lãnh đạo Công an thành phố Yên Bái đã phối hợp với các nhà trường tiến hành kiểm điểm, cam kết không để tái phạm hành vi. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các em biết được hành vi của mình là sai trái. Bên cạnh đó phối hợp với gia đình quản lý các em, tránh giao du với những đối tượng xấu, tụ tập dẫn đến đánh nhau.
Ông Đào Anh Tuấn - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết: Những năm qua, sự tác động của mạng xã hội đã làm gia tăng một số tác động tiêu cực tới các nhà trường trong đó có tình trạng Bạo lực học đuờng. Tình trạng BLHĐ không chỉ xảy ra đối với học sinh nam và còn có cả ở học sinh nữ.
Các vụ BLHĐ được học sinh quay thành clip và tung lên mạng công khai gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. BLHĐ đã trở thành mối quan tâm lo lắng của rất nhiều gia đình, nhà truờng và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.
Nhận thức được những tác hại do tình trạng BLHĐ gây ra, trong những năm qua Sở GD&ĐT Yên Bái đã tchỉ đạo các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào chương trình và hoạt động giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện góp phần phòng ngừa bạo lực học đường.
Đồng thời nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục; phối hợp với các cơ quan ban ngành của địa phương trong công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và phòng chống bạo lực học đường nói riêng.
Giải pháp quan trọng
Cùng với đó, ngành GD-ĐT Yên Bái đã triển khai hiệu quả hệ thống phòng ngừa bạo lực trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục được Bộ GD&ĐT hướng dẫn triển khai thực hiện từ tháng 12/2020. Đây là giải pháp giúp cho các cơ quan quản lý giáo dục kịp thời năm bắt thông tin, số liệu về các vụ BLHĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh, để từ đó có giải pháp chỉ đạo kịp thời nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng BLHĐ.
Để triển khai hiệu quả công tác này, ngay từ khi Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch xây dựng và triển khai công cụ thống kê, quản lý, kiểm soát BLHĐ, Sở GD&ĐT Yên Bái đã chủ động cử đội ngũ cốt cán trên địa bàn tỉnh tham gia lớp tập huyến trực tuyến về triển khai nhập dữ liệu và trích xuất báo cáo về BLHĐ thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.
Sở GD&ĐT đã kịp thời tổ chức lớp tập huấn trực tuyến về triển khai nhập dữ liệu và trích xuất báo cáo về bạo lực học đường thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục cho hơn 660 học viên là lãnh đạo, cán bộ các phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên các trường TH, TH&THCS, THCS, THPT, trung tâm GDNN-GDTX, trường trung cấp tại 72 địa điểm tập huấn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Sở đã ban hành Công văn hướng dẫn triển khai hệ thống phòng ngừa BLHĐ tới các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục, trong đó tập trung vào một số nội dung: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của BLHĐ; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi BLHĐ; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vị BLHĐ phù hợp với khả năng của bản thân.
Sau gần 2 năm thực hiện triển khai hệ thống phòng ngừa bạo lực trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả ban đầu như sau: Công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của BLHĐ và lao động trẻ em được thực hiện tương đối hiệu quả tại các cơ sở giáo dục do đó số vụ BLHĐ, số học sinh có nguy cơ bị BLHĐ đều đã giảm so với năm học trước.
(Theo GD&TĐ)