Biệt phái giáo viên Tiếng Anh: Chủ trương rất kịp thời của tỉnh Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/8/2022 | 9:03:43 AM

YênBái - Thực hiện Công văn số 2148 ngày 13/7/2022 của UBND tỉnh Yên Bái và Quyết định của Sở Nội Vụ về việc biệt phái giáo viên Tiếng Anh năm học 2022-2023, trong tuần qua, đã có 15 giáo viên tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái tự nguyện xung phong đi biệt phái hỗ trợ giảng dạy môn Tiếng Anh cho hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Lãnh đạo huyện Yên Bình gặp gỡ và động viên các thầy cô giáo biệt phái hỗ trợ giảng dạy môn Tiếng Anh tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Lãnh đạo huyện Yên Bình gặp gỡ và động viên các thầy cô giáo biệt phái hỗ trợ giảng dạy môn Tiếng Anh tại 2 huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Năm học 2022 - 2023, theo lộ trình đổi mới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bắt đầu triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Ở lớp 3, đây cũng là lần đầu môn Tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc. Điều này dẫn tới nhiều địa phương trong tỉnh đang rơi vào tình trạng thiếu giáo viên bộ môn tiếng Anh, đặc biệt tại các trường trên địa bàn hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh là môn bắt buộc đối với 100% số lớp 3, lớp 6, lớp 7 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lớp 8, lớp 9 theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Theo rà soát có 5 huyện không đủ giáo viên thực hiện là: Văn Chấn thiếu 10,3 định mức giáo viên; Văn Yên thiếu 9,8; Lục Yên thiếu 4,4; huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải thiếu lần lượt là 9,1 và 12,9. 

Đối với các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên có thể tự cân đối được giáo viên Tiếng Anh bằng cách ưu tiên không sắp xếp giáo viên Tiếng Anh kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác, bố trí dạy liên cấp, liên trường và tăng số giờ dạy vượt định mức khoảng 3 tiết/tuần/giáo viên.

Riêng với huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải, số lượng giáo viên Tiếng Anh hiện có rất thấp so với nhu cầu (Trạm Tấu thiếu 22 người, Mù Cang Chải thiếu 25 người); cá biệt, cấp tiểu học của huyện Mù Cang Chải chỉ có duy nhất 1 giáo viên Tiếng Anh.

Trước thực tế đó, thực hiện Công văn số 2148 ngày 13/7/2022 của UBND tỉnh và Quyết định của Sở Nội Vụ về việc biệt phái giáo viên Tiếng Anh năm học 2022-2023, thành phố Yên Bái đã biệt phái 7 giáo viên, Yên Bình biệt phái 2 giáo viên đến huyện Mù Cang Chải; thị xã Nghĩa Lộ biệt phái 2 giáo viên, huyện Trấn Yên biệt phái 3 giáo viên và huyện Yên Bình biệt phái 1 giáo viên đến huyện Trạm Tấu để hỗ trợ giảng dạy đảm bảo thực hiện chương trình môn Tiếng Anh theo quy định.


Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải gặp mặt, động viên các giáo viên được biệt phái hỗ trợ huyện giảng dạy môn Tiếng Anh trong năm học 2022 - 2023.

Cô giáo Trần Thu Hương - giáo viên Trường Tiểu học Nam Cường, thành phố Yên Bái được phân công giảng dạy môn Tiếng Anh tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, chia sẻ: "Khi có thông báo về việc biệt phái giáo viên lên giúp đỡ các trường ở vùng cao, bản thân tôi đã nghiên cứu về điều kiện, tiêu chí và cảm thấy mình phù hợp nên đã xung phong. Lúc đầu không tránh khỏi những lo lắng, băn khoăn do môi trường mới song được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo thành phố, Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và nhà trường nên tôi tin mình sẽ khắc phục được khó khăn để lên với học sinh vùng cao”.

Trong đợt biệt phái này, huyện Yên Bình có 3 giáo viên Tiếng Anh tại các trườngTH&THCS xã Phúc Ninh, xã Tân Hương và THCS thị trấn Yên Bình lên hỗ trợ 2 huyện vùng cao. Đây là những giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng và giàu kinh nghiệm trong giảng dạy môn Tiếng Anh. 

Ông Nguyễn Văn Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Bình cho hay: "Khi nhận được văn bản của UBND tỉnh, Phòng đã rà soát trong số 61 giáo viên tiếng Anh của huyện trên nguyên tắc, điều kiện và đối tượng theo văn bản hướng dẫn của Sở Nội vụ. Ngay sau khi thông báo đã có 3 thầy cô giáo tình nguyện viết đơn xin đi biệt phái để giúp đỡ các trường bạn”.

Động viên các thầy cô xung phong đi biệt phái, lãnh đạo các địa phương đã tổ chức gặp mặt và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các thầy, cô giáo đối với sự nghiệp GD-ĐT. Đồng thời mong muốn, với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết, các thầy cô sẽ tiếp tục phát huy năng lực sở trường, kinh nghiệm chuyên môn để góp sức cùng với các trường học nơi được phân công công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là đối với bộ môn Tiếng Anh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: "15 giáo viên đã đến nhận nhiệm vụ tại các trường học của 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tư tưởng đều rất phấn khởi, ý thức được trách nhiệm và nhiệm vụ được giao trong môi trường mới. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện ưu tiên xét tuyển cho các đơn vị vùng khó khăn, trong đó có môn Tiếng Anh để tiếp tục bổ sung giáo viên cho các huyện. Đồng thời tập trung chuẩn bị điều kiện để mở các lớp theo hình thức cử tuyển, vừa học vừa làm để bổ sung nguồn tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh tại chỗ, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay” - ông Bằng cho biết.

Ông Bằng cũng khẳng định, chủ trương biệt phái giáo viên tiếng Anh năm học 2022 - 2023 của tỉnh đang giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt về đội ngũ ở các môn học thiếu giáo viên theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục của toàn ngành trong các năm học mới và các năm học tiếp theo.


Hiện nay, toàn tỉnh  Yên Bái có 373 giáo viên môn Tiếng Anh cấp tiểu học và THCS (129 giáo viên tiểu học và 244 giáo viên THCS). Theo nhu cầu còn thiếu 190 người; trong đó, 109 giáo viên tiểu học và 81 giáo viên THCS. 

Thanh Chi

Tags giáo viên Tiếng Anh Yên Bái biệt phái Sở Giáo dục - Đào tạo Mù Cang Chải Trạm Tấu Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Năm học mới này, học sinh lớp 1 sẽ có thêm 2 tuần trước lễ khai giảng để làm quen với trường lớp, bạn bè.

Ảnh minh họa.

Cả nước mới có trên 616.000 thí sinh nhập nguyện vọng lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT trong tổng số 941.759 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Như vậy, vẫn còn hơn 300.000 thí sinh chưa nhập nguyện vọng xét tuyển dù đã hết thời gian cho phép.

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2022-2023 vừa được ban hành, đề cập đến vấn đề giáo viên, triển khai chương trình mới và mua sách cho học sinh khó khăn.

Giáo diện kiểm tra nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Ảnh: Chụp màn hình.

Tính đến 17 giờ ngày 19/8, cả nước có trên 941.500 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Như vậy, vẫn còn khoảng 300.000 thí sinh chưa nhập khi hệ thống đóng chức năng đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng vào 17 giờ ngày 20/8.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục