Yên Bái nỗ lực xóa mù chữ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 16/9/2022 | 7:46:10 AM

YênBái - Hoàn thành lớp xóa mù, ông Giàng Chồng Chua hơn 50 tuổi ở bản Dế Xu Phình tâm sự: "Giờ mình đi bán thảo quả không cần nhờ người khác tính hộ nữa rồi. Biết cái chữ, mình không còn xấu hổ. Các cháu đi học về, mình cũng biết được hôm nay chúng học được chữ gì...”. Xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ ghi dấu bằng nhiều nỗ lực của ngành giáo dục và cả hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái những năm qua.

Một lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Dao tại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên.
Một lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc Dao tại xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên.

>> Quang Minh: Xóa mù để xây dựng nông thôn mới


Xác định công tác xóa mù chữ (XMC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành, Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, văn bản quan trọng chỉ đạo công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC) cho người lớn.

CHUNG SỨC TẠO CHUYỂN BIẾN

Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả PCGD tiểu học và PCGD trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ (XMC) cho người lớn (gọi tắt là Chỉ thị số 10), Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 09/4/2012 về thực hiện Chỉ thị số 10. 

Chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc tích cực

Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt cùng sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh tới cơ sở. Quan điểm chỉ đạo và các nội dung thực hiện Chỉ thị số 10 đã được thể chế hóa bằng văn bản và đưa vào các chương trình, kế hoạch triển khai hàng năm. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thực sự quan tâm đến công tác PCGD, XMC cùng các ban, ngành, đoàn thể tích cực vào cuộc. Nhiều đơn vị cấp huyện đã chỉ đạo cấp xã quan tâm, sát sao thực hiện công tác điều tra cơ bản, cập nhật số liệu, hoàn thiện hồ sơ, sổ sách theo quy định. Công tác kiểm tra, đôn đốc được cấp ủy các cấp, các ngành quan tâm, xác định là một trong những giải pháp quan trọng đảm bảo tiến độ và chất lượng PCGD, XMC. 

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo cụ thể hóa Chỉ thị số 10, Chương trình hành động số 27 vào chương trình công tác hàng năm và quán triệt tới các đơn vị trực thuộc. Sở phối hợp hoạt động chặt chẽ với các thành viên Ban chỉ đạo PCGD, XMC và xây dựng xã hội học tập (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ban Chỉ đạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện và phối hợp với các cơ quan, đơn vị để chỉ đạo, triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ, củng cố vững chắc kết quả XMC, PCGD. 

Ban chỉ đạo cấp huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát đối với ban chỉ đạo cấp xã về tổ chức thực hiện, duy trì, nâng cao chất lượng, tăng mức độ đạt chuẩn PCGD, XMC đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra. Định kỳ 6 tháng, hàng năm, ban chỉ đạo các cấp tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ PCGD, XMC trên địa bàn. 


Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải gặp gỡ, động viên phụ nữ Mông tham gia lớp học xóa mù chữ.  

Giải pháp đồng bộ, thực hiện nghiêm túc

Xác định công tác XMC là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều đề án, văn bản quan trọng chỉ đạo công tác PCGD, XMC cho người lớn. 

Đặc biệt, sau khi có Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "XMC đến năm 2020”, Yên Bái đã tiến hành tổng điều tra PCGD đối với dân số từ 0 đến 60 tuổi, cập nhật dữ liệu để khai thác, phục vụ công tác quản lý. 

Trên cơ sở dữ liệu điều tra, Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 12/12/2014 triển khai thực hiện Đề án. Sở chú trọng quan tâm tới các xã vùng đặc biệt khó khăn, các xã có tiêu chí đạt chuẩn PCGD, XMC ở mức thấp, thiếu tính bền vững; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên dạy XMC; đào tạo, bồi dưỡng tiếng Mông, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học để tăng cường công tác XMC cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Sở cũng ưu tiên bố trí giáo viên, cán bộ quản lý cho nhiệm vụ XMC ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; quản lý, tổ chức các lớp học XMC linh hoạt về thời gian, địa điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên; thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ các đơn vị còn nhiều khó khăn trong thực hiện công tác XMC. Sở chỉ đạo các phòng GD&ĐT làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 10. 

Các phòng GD&ĐT chủ động, tích cực làm tốt công tác tham mưu với UBND cấp huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo PCGD, XMC và xây dựng xã hội học tập, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; biểu dương các đơn vị, tập thể, cá nhân làm tốt, có nhiều cống hiến cho công tác PCGD, XMC.

Giai đoạn 2012 - 2016, toàn tỉnh mở được 85 lớp XMC với 2.252 học viên, giai đoạn 2017 - 2020 mở được 72 lớp XMC với 2.016 học viên. Nỗ lực, quyết tâm, phối hợp hoạt động hiệu quả, năm 2020, Yên Bái duy trì kết quả XMC với 173/173 đơn vị cấp xã và 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn XMC mức độ 1, trong đó có 5 đơn vị đạt mức độ 2. 

CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC, LINH HOẠT

Huyện Văn Yên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ người từ 15 đến 25 tuổi được công nhận biết chữ mức độ 2 đạt 100%; tỷ lệ người từ 15 đến 35 tuổi được công nhận biết chữ mức độ 1 đạt từ 99% trở lên; số người được công nhận biết chữ mức độ 2 đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ người từ 15 đến 60 tuổi được công nhận biết chữ mức độ 1 đạt từ 97,5% trở lên; số người được công nhận biết chữ mức độ 2 đạt từ 93% trở lên; 25/25 xã, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2, huyện đạt chuẩn XMC mức độ 2.

Huyện Văn Yên là nơi sinh sống của 12 dân tộc, với 25 xã, thị trấn thì  22 xã có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó 8 xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ đồng bào DTTS toàn huyện chiếm 50%, trong đó đồng bào Dao chiếm 27%. Trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều người không biết chữ. 

Tiếp nối kết quả đạt được trong công tác PCGD- XMC, thời gian qua, UBND huyện Văn Yên tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác này, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-BCĐ, ngày 31/3/2021 thực hiện nhiệm vụ PCGD, XMC giai đoạn 2021 - 2025; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chống mù chữ và PCGD; huy động sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người chưa biết chữ ra lớp học; củng cố hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp XMC cho người dân. 

Để thực hiện thành công các lớp XMC, Phòng GD&ĐT huyện đã chủ động tham mưu, lập kế hoạch, chỉ đạo cũng như huy động, duy trì học viên các lớp XMC, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình giảng dạy. 

Công tác huy động, quản lý, duy trì số lượng học viên XMC đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc. Thành phần tham gia huy động học viên ra lớp gồm trưởng các thôn, bản chịu trách nhiệm chính cùng giáo viên giảng dạy, một số lớp được sự phối hợp huy động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. 

Ông Lưu Quang Lợi - Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Văn Yên cho biết: "Tỷ lệ người mù chữ chủ yếu ở vùng đồng bào DTTS, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế còn nghèo và cũng có nhiều trường hợp do mặc cảm, tự ti nên ngại đến lớp. Bởi vậy, chúng tôi phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể địa phương vận động người dân ra lớp. Việc tổ chức các lớp học cũng phải bố trí hợp lý nhất theo tình hình thời tiết, mùa vụ của đồng bào để duy trì sĩ số, đảm bảo chất lượng cao nhất”. 

Độ tuổi của các học viên theo học các lớp xoá mù rất đa dạng, có những người chưa từng đến lớp và cả những người tái mù. Nhiều học viên đã cao tuổi nên việc định hình chữ cái rất khó, phần lớn học viên tiếp thu chưa nhanh, thời gian học lại gián đoạn và ít có thời gian ôn tập. 

Để khuyến khích học viên theo học, huyện hỗ trợ hoàn toàn kinh phí mua sách vở, dụng cụ học tập; kết thúc khóa học các xã đều tổ chức đánh giá, tổng kết, khen thưởng các cá nhân tích cực và có thành tích cao trong học tập. Đồng thời, huyện còn có chính sách hỗ trợ giáo viên đứng lớp XMC. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Văn Yên đã mở được 6 lớp XMC với 180 lượt học viên tham gia. Sau khi kết thúc khóa học, các học viên đã được trang bị kiến thức cơ bản của chương trình đến lớp 3, biết đọc thông, viết thạo, biết nắm bắt vấn đề để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. 

Theo bà Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên: Để công tác XMC đạt hiệu quả cao, UBND huyện đã củng cố, nâng cao năng lực Ban Chỉ đạo XMC các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; nâng cao trách nhiệm của từng thành viên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã nâng cao chất lượng XMC. 

Huyện chỉ đạo thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực mở các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, bổ túc trung học cơ sở; tập trung xây dựng, củng cố cơ sở vật chất, mua sắm đồ dùng và các trang thiết bị đảm bảo các điều kiện PCGD. Huyện yêu cầu 100% xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai công tác PCGD, XMC giai đoạn 2021 - 2025 và có kế hoạch thực hiện hàng năm. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể, cộng đồng và đưa nhiệm vụ này vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương hàng năm để chỉ đạo thực hiện. 
 
Cô giáo Lương Thanh Phương - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú TH&THCS xã Châu Quế Thượng:



Học viên XMC đa phần là chị em phụ nữ đã lớn tuổi và một phần là nam giới, chủ yếu là làm nông nên công việc khá bận bịu. Để thu hút học viên đến lớp và tiếp thu bài học tốt, đội ngũ giáo viên chúng tôi đã rất linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, thường xuyên tổ chức các trò chơi phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ để học viên tham gia học tập một cách thoải mái và dễ tiếp thu nhất. 

Bà Lý Thị Tư - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Viễn Sơn:



Thực hiện kế hoạch của huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương trực tiếp xuống các thôn, bản và đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, huy động người dân ra lớp học XMC đảm bảo sĩ số, tỷ lệ chuyên cần. Hội phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có người tham gia lớp học XMC để các học viên yên tâm theo học đạt kết quả cao nhất. 

HỌC CHỮ ĐỂ THAY ĐỔI CUỘC SỐNG

Cởi bỏ tâm lý mặc cảm, mỗi lớp XMC được tổ chức tại các xã của huyện Mù Cang Chải đã có hàng chục người dân tham gia. Những học viên sau khi hoàn thành lớp học XMC đã tự tin hơn trong giao tiếp, đặc biệt đã thực hiện dễ dàng các thủ tục hành chính cũng như tìm hướng phát triển kinh tế mới, nhất là khi Mù Cang Chải đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.

Dế Xu Phình là một trong những đơn vị cấp xã của huyện Mù Cang Chải sớm hoàn thành chỉ tiêu XMC nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Năm 2022, xã tiếp tục mở 2 lớp sau biết chữ tại bản Phình Hồ và Háng Cuốn Rùa. 


Phụ nữ dân tộc Mông xã Dế Xu Phình tham gia lớp học xóa mù chữ. 

Ông Chang A Sồng - Phó Chủ tịch UBND xã Dế Xu Phình cho biết: "Nhờ sự quyết liệt của chính quyền và sự tận tâm của các thầy cô giáo nên so với các địa phương khác trong huyện, số người chưa biết chữ ở xã còn nhưng không nhiều. Khi người dân biết chữ, nhận thức được nâng lên thì tuyên truyền về các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng thuận lợi hơn”. 

Ông Giàng Chồng Chua hơn 50 tuổi ở bản Dế Xu Phình là một trong số hơn 20 học viên của lớp XMC Nhân Ái tổ chức tại xã Dế Xu Phình năm 2021. Từ ngày hoàn thành lớp xóa mù, ông đã tự tin hơn trong giao tiếp, đặc biệt việc biết chữ và tính toán cơ bản đã giúp ích cho ông trong mỗi lần đi bán nông sản. 

Ông Chua tâm sự: "Giờ mình đi bán thảo quả không cần nhờ người khác tính hộ nữa rồi. Biết cái chữ, mình không còn xấu hổ. Các cháu đi học về, mình cũng biết được hôm nay chúng học được chữ gì...”.

Công tác XMC, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hướng tới mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” được huyện Mù Cang Chải tích cực triển khai đồng bộ trong nhiều năm qua. Nhờ đó, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 đến 60 tuổi trên địa bàn huyện đạt trên 86%; số đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn XMC ngày một nâng cao. 

Đây là nỗ lực của chính quyền và ngành giáo dục nhằm cải thiện trình độ và nhận thức, cải thiện tiêu chuẩn sống. Để có được kết quả đó, hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành kế hoạch thực hiện công tác phổ cập giáo dục, XMC; triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Huyện ủy, UBND huyện về công tác phổ cập giáo dục, XMC tới các xã, thị trấn, các đơn vị trường học trực thuộc; thực hiện tốt công tác phối hợp của các cấp, ban, ngành, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trong công tác tuyên truyền, vận động học viên ra lớp. 

Cùng với đó, Phòng chỉ đạo các đơn vị trường thực hiện tốt công tác tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, huy động học viên ra lớp, tổ chức giảng dạy đảm bảo đúng tiến độ, chương trình theo hướng dẫn, quy định; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị trường; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nề nếp lớp học, chất lượng học viên các lớp. 

Từ năm 2016 đến hết năm 2020, huyện Mù Cang Chải đã mở được 61 lớp XMC cho 1.711 học viên và 6 lớp sau biết chữ cho 195 học viên. Trước năm 2016, tỷ lệ người mù chữ trong độ tuổi 15 đến 60 tuổi của huyện còn 27,4% thì kết thúc năm 2020 giảm xuống còn 15,5%. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện mở 7 lớp XMC cho 157 học viên tại 4 xã và 7 lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 210 học viên tại 3 xã, nhằm đảm bảo duy trì XMC mức độ 2 đối với các bản, xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. 

Đặc biệt, huyện đã mở 1 lớp 9 phổ cập giáo dục THCS cho 34 học viên tại bản Có Thái, xã Nậm Có. Chất lượng của các lớp xóa mù và sau biết chữ tương đối tốt, là điều kiện để bà con nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải cho biết: "Các lớp XMC là các lớp học đặc biệt, đối tượng học viên cũng đặc biệt, do đó thông thường chúng tôi chỉ đạo mỗi lớp có 3 giáo viên. Do tính chất đặc thù mùa vụ của địa phương, Phòng chỉ đạo các đơn vị linh hoạt về thời gian giảng dạy theo nhu cầu của người học như vào mùa vụ thì học buổi tối, ngày thứ 7, Chủ nhật và một số thời điểm nông nhàn sẽ học tất cả các ngày trong tuần..., đảm bảo thời gian học hết chương trình, kết thúc lớp học đúng tiến độ kế hoạch”.

Nỗ lực gieo chữ không chỉ giúp thay đổi cuộc sống, mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số mà còn khẳng định công tác XMC ở Mù Cang Chải đã có những bước tiến tích cực, hiệu quả. Nỗ lực này vẫn đang và sẽ được huyện tiếp tục triển khai và nhân rộng, là chìa khóa để Mù Cang Chải giảm nghèo bền vững, tiến tới xây dựng huyện du lịch.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải:



Đến hết năm 2021, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi trên địa bàn huyện đạt trên 86%. Hiệu quả của các lớp XMC, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ đã giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội, tiếp cận khoa học kỹ thuật… Qua đó giúp người dân có cơ hội thay đổi cuộc sống, biết phát triển kinh tế gia đình, tự lực vươn lên xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống… và chung sức xây dựng nông thôn mới.

Học viên Sùng Thị Ghênh - bản Dào Xa, xã Lao Chải: 



Mình đã biết chữ rồi, cảm ơn Đảng, Nhà nước, cán bộ xã và các thầy cô giáo nhiều lắm! Lúc đầu cũng thấy khó lắm nhưng đến khi biết đánh vần, biết viết thì vui, phấn khởi, nhất là đã đọc được tin nhắn, biết đặt tên người thân trong điện thoại. Giờ mình có thể đọc báo, xem bản tin… dạy cách trồng trọt, chăn nuôi để làm theo và mong là sẽ có thêm thu nhập nhiều hơn trước.

Nguyễn Thơm - Thanh Tân - Thanh Ba

Tags Yên Bái xóa mù chữ Mù Cang Chải đề án

Các tin khác
Quang cảnh Hội thảo

Chiều 19/4, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông tại Trường THPT Nguyễn Huệ.

Lãnh đạo huyện Văn Chấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện năm 2024 được tổ chức ngày 17/4 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn vừa tổng kết Giao lưu “Nét chữ - Nết người” cấp huyện cấp tiểu học, năm học 2023- 2024.

Quang cảnh buổi gặp mặt báo chí thông tin về chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024.

Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm 2024 tiếp tục được triển khai từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm từ ngày 27 đến 30/6 với nhiều đổi mới nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh.

Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Học sinh lớp 12 trên cả nước đang bước vào giai đoạn nước rút, tăng tốc ôn tập để sẵn sàng bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Lưu ý một số nội dung trong công tác dạy học, ôn tập, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Các nhà trường cần lưu ý hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch năm học 2023-2024; phân loại trình độ học sinh để tổ chức ôn tập phù hợp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục