Năm học 2022 - 2023, huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu của tỉnh được đón 15 giáo viên môn Tiếng Anh lên tăng cường dạy học, góp phần vào thực hiện triển khai đổi mới giáo dục theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình. Đây là giải pháp mang tính cấp bách của tỉnh được đưa ra trong tình hình thiếu giáo viên môn Tiếng Anh tại các địa phương vùng cao. Mang trong mình trọng trách nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó, các thầy cô giáo biệt phái lần này mang theo rất nhiều tình yêu thương cho học sinh vùng cao.
Cô giáo Vũ Hà Thu Phương - giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái là một trong những giáo viên xung phong biệt phái đợt này lên Mù Cang Chải tăng cường. Năm học 2021 - 2022, cô Phương đã dạy Tiếng Anh online cho trường kết nghĩa ở Mù Cang Chải nên đã tiếp cận với các học trò vùng cao.
"Khi có chủ trương của tỉnh về biệt phái giáo viên Tiếng Anh mình xung phong đăng ký. Lên Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Lao Chải dù đã được xây dựng các phòng học kiên cố nhưng còn thiếu nhiều thứ. Nhất là phòng học bộ môn Tiếng Anh chỉ có duy nhất một chiếc máy chiếu. Mình càng thương các con nhiều hơn!” - cô Phương cho biết.
Chứng kiến những thiếu thốn đó của học trò và đồng nghiệp, cô Phương đã vận động bạn bè, người thân trao tặng nhà trường một chiếc máy in, 200 hộp bút sáp màu, 2 micro không dây và 4 thùng giấy in cùng nhiều phần quà khác.
Cô chia sẻ, sẽ tiếp tục vận động để có thể tặng nhiều phần quà hơn cho học sinh vùng cao nơi cô biệt phái. Không chỉ thế, cô Phương còn chuẩn bị các giáo cụ, trò chơi vận động; tranh ảnh bổ trợ cho các tiết học thay cho công nghệ, rồi cả dự định tranh thủ ôn luyện thêm cho các em ngoài giờ lên lớp... Hy vọng bù đắp những thiếu thốn của học trò.
Cũng như cô Phương, cô giáo Phan Thị Lệ Hường - giáo viên Trường Tiểu học Yên Thịnh, thành phố Yên Bái được biệt phái, tăng cường đến công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học Tà Ghênh, huyện Mù Cang Chải.
Đây là ngôi trường mới được xây dựng 2 năm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, 100% học sinh đều là người dân tộc Mông, có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn. Nhận nhiệm vụ tại ngôi trường vùng cao cô Hường đầy trăn trở trước những khó khăn của học trò. Khi chia sẻ với gia đình, người thân của cô đã hỗ trợ 150 chăn ấm, trị giá 40 triệu đồng.
Ở đây, sách giáo khoa thì em có em không, mà chương trình dạy Tiếng Anh ở Mù Cang Chải là chương trình Globle thì tối thiểu phải có vở bài tập.
Cô Hường tâm sự: Mình đã chia sẻ điều này với bạn bè ở Hà Nội, được mọi người ủng hộ 100 bộ sách cho học sinh lớp 3 và còn hứa sẽ ủng hộ thêm những thiếu thốn thiết yếu khi lên thăm trường. Ở dưới thành phố mình bảo đảm chương trình dạy học sinh đủ 4 kỹ năng nhưng ở đây thiết bị không có vì toàn trường chỉ có 2 bộ máy chiếu chủ yếu dùng cho hội giảng, vì vậy mình phải chuyển hướng sang xây dựng tranh ảnh, in vẽ các nhân vật, hình ảnh phục vụ cho tiết dạy.
"Để phục vụ cho mỗi tiết dạy có khi mất cả buổi tối để chuẩn bị. Mình là đảng viên đang thực hiện nhiệm vụ chính trị nên mình không nề hà bất cứ việc gì, lại công tác xa nhà, lên đây chỉ duy nhất một nhiệm vụ dạy học nên sẽ dồn hết tâm sức cho các em”- cô Hường cho biết.
Đây chỉ là hai trong số 15 câu chuyện của các thầy cô giáo được biệt phái năm học 2022 - 2023. Mỗi câu chuyện đều mang theo trách nhiệm và rất nhiều yêu thương của các thầy cô giáo. Năm học mới 2022-2023, các thầy cô biệt phái cùng với các thầy cô giáo nơi vùng cao này tiếp tục viết lên những câu chuyện đầy yêu thương, góp phần tạo nền móng tương lai tươi sáng cho học trò vùng cao vượt khó.
Thanh Ba