Thầy giáo tự chế thiết bị dạy học, tiết kiệm gần nửa tỷ đồng

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/2/2023 | 9:18:18 AM

Dưới hầm máy một con tàu bằng xi măng trong sân trường, thầy Toàn say sưa giảng cho học viên về hệ thống phin lọc tự xả, do mình và đồng nghiệp chế tạo.

Thầy Lương Văn Toàn giảng về hệ thống phin lọc tự xả, tháng 2/2023.
Thầy Lương Văn Toàn giảng về hệ thống phin lọc tự xả, tháng 2/2023.

Theo thầy Lương Văn Toàn, giảng viên khoa Máy tàu biển, Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng, thiết bị tự chế này có giá khoảng 50 triệu đồng, với kích thước và các chức năng tương tự như thiết bị được sử dụng trên tàu thủy hiện nay.

Hệ thống phin lọc tự xả là thiết bị quan trọng trong hệ thống nhiên liệu và hệ thống bôi trơn sử dụng cho động cơ Diesel tàu thủy. Hệ thống này sẽ lọc dầu, giúp nâng cao năng suất động cơ, tiết kiệm nguyên liệu. Giá thành một hệ thống phin lọc tự xả trên thị trường khoảng 500 triệu đồng.

Với nguồn lực hiện tại của nhà trường, việc đầu tư thiết bị để sinh viên học và thực hành còn hạn chế. "Do vậy, anh em chúng tôi bàn nhau làm ra một cái giống như đồ thật để dạy cho sinh viên", thầy Toàn nói.

Vốn là những kỹ sư máy tàu có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc thực chiến, thầy Toàn cùng đồng nghiệp phác thảo thiết kế rồi bắt tay vào chế tạo.

"Một số linh kiện chúng tôi phải đi mua ở cửa hàng bán máy tàu biển cũ ven sông Cấm, một số khác thì chúng tôi tận dụng đồ trong kho của nhà trường. Chi phí hết tầm 50 triệu, làm trong ba tháng thì xong", thầy Toàn cho biết.

Trong quá trình chế tạo, nhóm tác giả gặp nhiều khó khăn vì không có các linh kiện đúng như thiết bị chuẩn. "Máy thật dùng bộ điều khiển bằng khí nén, cái này đắt và phức tạp. Sau khi suy nghĩ và bàn bạc, chúng tôi thay thiết bị đó bằng một động cơ điện cũ, có nguyên lý hoạt động tương tự. Cũng may là nó chạy tốt", thầy Mai Tuấn Hùng, Trưởng khoa Máy tàu biển, chia sẻ.

Không chỉ tìm cách làm đúng nguyên mẫu, ở một số chi tiết, nhóm tác giả cải tiến cho phù hợp với điều kiện dạy và học. Theo lời thầy Hùng, bầu lọc của hệ thống vốn là thùng kim loại đúc kín. Tuy nhiên, để sinh viên có thể quan sát được hoạt động của bộ phận quan trọng nhất này, các giảng viên đã lắp vách kính trong suốt. Ngoài ra, nhóm giảng viên thiết kế một giá sắt chắc chắn, có gắn bánh xe để đặt hệ thống, giúp di chuyển thiết bị dễ dàng.

Nhóm tác giả cho biết, hệ thống có thể sử dụng cho tàu tải trọng 5.000 tấn. Thiết kế này cũng có thể được ứng dụng vào chế tạo thiết bị lọc nước trong các khoang lái.

Sau trải nghiệm, anh Nguyễn Trọng Tuấn, sinh viên lớp Máy khai thác trung cấp liên thông, trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng, nói thiết bị tự chế của trường y như thật.

"Thiết bị giúp sinh viên hay thợ máy mới vào nghề hiểu hơn các thông số, nguyên lý hoạt động để biết cách bảo dưỡng, sửa chữa khi nhiên liệu bẩn hay có yếu tố khác tác động lên hệ thống máy của con tàu", anh Tuấn nói.


Nhóm giảng viên của trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng nghiên cứu, chế tạo một thiết bị dạy học, tháng 2/2023. 

Bà Lê Thị Thu Huyền, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách nghệ Hải Phòng, cho biết các thiết bị tự chế có công năng, cấu tạo tương tự như thiết bị trên thị trường nhưng giá thành rẻ hơn, tiết kiệm cho trường hàng tỷ đồng. Ngoài ra, giảng viên chế tạo hiểu về chi tiết máy, bắt bệnh khi hỏng hóc nhanh và chính xác. Việc này giúp sinh viên làm quen với các chi tiết máy móc và thao tác thực hiện, vận hành thiết bị.

Ngoài hệ thống phin lọc tự xả của khoa Máy tàu biển, các giảng viên khác của trường còn chế tạo được hai thiết bị dạy học ứng dụng thực tế cao là Hệ thống phóng xuồng cứu sinh và Mô phỏng hệ thống cứu sinh - cứu hỏa trên tàu. Cả ba đều giành giải nhất trong Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm lần thứ VII do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức hồi tháng 10/2022, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Huyền nhìn nhận hiện nay nhiều thiết bị lớn như xuồng cứu sinh, hệ thống máy chữa cháy, cầu tàu không chỉ có giá thành cao mà còn thường xuyên thay đổi về công nghệ, thiết kế, khiến nhà trường không đủ nguồn lực để theo kịp.

"Nếu không trang bị được thiết bị thì không đảm bảo chất lượng đào tạo, tiêu chí mang tính sống còn với nhà trường. Do đó, lợi ích của thiết bị tự làm là rất lớn", bà Huyền chia sẻ.

Thầy Mai Tuấn Hùng nói những thiết bị được làm ra không chỉ từ kinh nghiệm, kiến thức mà còn đến từ tâm huyết với nghề nghiệp và sinh viên của các thầy cô. "Các thầy rất hào hứng với việc tự chế thiết bị dạy. Có người ban đầu không tham gia, nhưng thấy hay quá nên đã nhảy vào đóng góp ý kiến và thi công cùng", thầy Hùng nói.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai một loạt giải pháp để chấm dứt tình trạng

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký ban hành Văn bản số 407/BGDĐT-VP trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh về giải pháp chống hình thức, chấm dứt tình trạng "bệnh thành tích", chạy trường, chạy lớp, chạy học bạ làm giảm chất lượng giáo dục.

Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ là 3 địa phương đầu tiên trên cả nước công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024.

Hải Phòng, TP.HCM và Cần Thơ là 3 địa phương đầu tiên trên cả nước công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024.

Hệ thống trường Quốc tế Canada (CISS) vừa công bố chương trình học bổng CISS Talent Search - Tìm kiếm tài năng lớn nhất từ trước đến nay với trị giá đến 100 tỷ đồng.

Hiện nay vẫn còn có tình trạng một số trường chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn lạm thu quỹ phụ huynh học sinh hoặc huy động tài trợ không đúng quy định, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục