Yên Bái kiến nghị Bộ Giáo dục sớm ban hành Thông tư sửa đổi quy định xếp lương

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/2/2023 | 4:43:05 PM

YênBái - Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Yên Bái cần giải bài toán khó về thiếu giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Những năm qua, giáo dục phổ thông tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực. Quy mô, mạng lưới trường, lớp được sắp xếp phù hợp với từng địa phương; chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, giáo dục dân tộc được giữ vững và từng bước nâng lên. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Điều này đã góp phần duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ một cách bền vững.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tăng nhanh; đội ngũ công chức, viên chức được sắp xếp hợp lý, tinh gọn, hiệu quả. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và từng bước hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học.

Ngoài ra, công tác xã hội hóa, khuyến học, khuyến tài đạt nhiều kết quả; công tác xây dựng xã hội học tập được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đây là một tiền đề thuận lợi cho tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Theo báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 264 trường phổ thông, 4.935 lớp, 170.878 học sinh, bình quân đạt 34,6 học sinh/lớp (trong đó có 57 trường tiểu học, 53 trường trung học cơ sở độc lập, 128 trường tiểu học và trung học cơ sở, 27 trường trung học phổ thông).

Đánh giá về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho rằng, chương trình mới bảo đảm tính kế thừa và có sự đổi mới, theo đúng định hướng từ tiếp cận nội dung (dạy học trang bị kiến thức) sang tiếp cận năng lực (dạy học phát triển năng lực), gắn với thực tiễn cuộc sống.

Đồng thời chương trình đã có sự giảm tải, "liên thông ngang, dọc” và không trùng lặp về nội dung kiến thức giữa các môn học, cấp học, đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo đã được thể chế hóa trong Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ngoài việc bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với tất cả học sinh, còn trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh.

Chương trình cũng phù hợp với điều kiện chung của các địa phương trên địa bàn tỉnh và điều kiện cụ thể của các cơ sở giáo dục. Đồng thời chú trọng đến dạy học phân hóa, đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp thu của các đối tượng học sinh.

Việc thực hiện chương trình giáo dục mới trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi nhất định. Những năm gần đây, giáo dục phổ thông Yên Bái đã tích cực đổi mới theo hướng tiếp cận dần với chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, áp dụng các mô hình, phương pháp dạy học tiên tiến vào giảng dạy; điều chỉnh kế hoạch và mục tiêu giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

100% các đơn vị trường học được trang bị máy tính phục vụ công tác quản lý. Đa số cán bộ quản lý, giáo viên đều có máy tính xách tay và điện thoại thông minh, có kết nối internet. Đây là điều kiện căn bản để các nhà giáo thực hiện công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng thông qua nguồn học liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là vấn đề thiếu giáo viên và thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, chương trình mới có một số môn tích hợp nhưng giáo viên hiện chỉ được đào tạo để dạy 1 hoặc 2 môn. Vì vậy cần phải bồi dưỡng nhiều, có thể phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường phổ thông tỉnh Yên Bái có 9.040 người (700 cán bộ quản lý, 7.583 giáo viên, 667 nhân viên và 90 hợp đồng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP). Tỷ lệ giáo viên hiện có so với định mức năm học 2022-2023 đạt 85%. Trong đó:

Cấp tiểu học có 4.226 người, gồm 4.206 biên chế (290 quản lý, 3.776 giáo viên, 140 nhân viên và 20 nhân viên hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP). Tỷ lệ giáo viên so với định mức đạt 86,8%.

Cấp trung học cơ sở có 3.551 người, gồm 3.490 biên chế (337 quản lý, 2.725 giáo viên, 428 nhân viên) và 61 nhân viên hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP. Tỷ lệ giáo viên so với định mức đạt 81,7%.

Cấp trung học phổ thông có 1.263 người, gồm 1.254 biên chế (73 quản lý, 1082 giáo viên, 99 nhân viên) và 09 nhân viên hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP. Tỷ lệ giáo viên so với định mức đạt 87,3%.

Về chất lượng, tỷ lệ giáo viên phổ thông đạt chuẩn trở lên là 74,4%, trong đó cấp tiểu học đạt 67,7%, cấp trung học cơ sở đạt 82%, cấp trung học phổ thông đạt 99,9%. Tỷ lệ giáo viên phổ thông trên chuẩn là 3,2%.

Ngoài ra, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh Yên Bái cần tuyển dụng số lượng lớn giáo viên Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật (Mỹ thuật và Âm nhạc). Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung không đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, một số giáo sinh chỉ có trình độ cao đẳng nên không đủ tiêu chuẩn về trình độ để tuyển dụng vào các trường phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, tài liệu và sách giáo khoa. Kinh phí chi cho việc này rất lớn, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, tỉnh đã bố trí, sắp xếp sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của các cơ sở giáo dục. Trong đó, ưu tiên bố trí đủ phòng học cho 100% lớp 1, lớp 2, lớp 3 được học 2 buổi/ngày và bố trí các phòng học bộ môn cho các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Toàn tỉnh hiện có 4.815 phòng học (trong đó, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 91,3%), 756 phòng học bộ môn, 731 phòng hỗ trợ học tập; 3.238 lớp có thiết bị dạy học tối thiểu, 1.332 lớp có máy chiếu, 954 lớp có tivi, 1.158 lớp có bảng tương tác phục vụ dạy và học.


Tổng kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đến nay của tỉnh Yên Bái là 758,8 tỷ đồng (số liệu dựa theo báo cáo)

Tuy nhiên, tỉnh Yên Bái còn 12 trường phổ thông có 3 cấp học gây ảnh hưởng đến công tác triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các cấp học. Một số trường phổ thông có quy mô sĩ số lớp đông, khoảng cách giữa điểm chính và điểm lẻ quá xa. Số học sinh/ lớp ở một số trường còn cao, vượt điều lệ quy định.

Hiện nay, toàn tỉnh còn 108 phòng học tạm; thiếu 178 phòng, tỷ lệ phòng học/lớp chưa đạt tỷ lệ 1/1. Nhiều phòng học do xây dựng trong giai đoạn trước, có diện tích chật hẹp, không đảm bảo so với tiêu chuẩn tối thiểu quy định.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số ở những lớp đầu cấp tiểu học. Thiết bị dạy học tối thiểu và một số thiết bị khác chưa đáp ứng được cho công tác dạy và học.

Tỷ lệ học sinh lớp 4, lớp 5 cấp tiểu học được học Tin học, Ngoại ngữ còn thấp (tỷ lệ học sinh được học Tin học đạt 32,9%, học tiếng Anh đạt 64,8%), trong khi đây là hai môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Môn tiếng Anh và Tin học lớp 6 do nhiều học sinh chưa được học ở tiểu học, phải thực hiện chương trình bổ trợ, thời gian ngắn, số lượng kiến thức bổ trợ chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến kết quả học tập thấp. Một số đơn vị chưa có phòng Tin học và máy tính nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Việc bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương cho giáo dục đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm. Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 thông qua một số Đề án phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, trong đó có Đề án triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, với nhu cầu vốn dự kiến 1.222 tỷ đồng.

Bên cạnh các giải pháp như tuyển dụng bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng năng lực của giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, huy động nguồn lực công tác xã hội hóa giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ xem xét, tiếp tục giao bổ sung biên chế đảm bảo đủ định mức theo quy định.

Đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 quy định về vị trí việc làm, định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Ban hành bộ thiết bị dạy học mẫu cho các cấp học để sử dụng chung cho tất cả các tỉnh thực hiện công tác mua sắm thiết bị.

Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho trường vùng khó khăn, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường thuộc xã trong lộ trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

(Theo GDVN)

Các tin khác

Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2022-2023 sẽ diễn ra vào ngày 24 và 25 tháng 2. Những ngày này, đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia của tỉnh đang tích cực ôn luyện, bổ sung kiến thức kỹ năng tại Trường THPT Chuyên Nguyễn tất Thành, thành phố Yên Bái với quyết tâm đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh minh họa

Hiện có khoảng 120 cơ sở giáo dục đại học công bố xét học bạ THPT để tuyển sinh năm 2023, hệ đại học chính quy. Bên cạnh những ưu điểm, nhiều người còn băn khoăn về chất lượng nguồn tuyển theo phương thức này.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận tại cuộc họp

Ngày 20/2, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, họp phiên thứ 2.

Giờ học tại Trường mầm non Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Chương trình giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2009 và đang được triển khai trên cả nước. Tuy nhiên, để chương trình tiếp cận với giáo dục tiên tiến, bắt nhịp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng để ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới phù hợp thực tiễn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục