Kết quả này là sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái với phong trào đọc sách.
Trong đó, nỗ lực trước tiên là việc thay đổi nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về tầm quan trọng của văn hóa đọc tại nhà trường. Hàng năm, Sở GD&ĐT đã đẩy mạnh tôn vinh giá trị của sách; tuyên truyền, quảng bá sâu rộng vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách, giúp mỗi cá nhân có ý thức cao trong việc hình thành thói quen đọc sách cũng như trân trọng những giá trị mà sách mang lại.
Ngoài ra, các nhà trường còn tích cực tổ chức các giờ đọc sách hiệu quả tại thư viện để dần hình thành thói quen đọc sách trong học sinh; tổ chức giới thiệu những quyển sách, những tác phẩm hay trong các giờ chào cờ, tại thư viện trường; tổ chức sân chơi hấp dẫn, thú vị cho học sinh như: kể chuyện theo sách”, vẽ tranh theo sách” hay quay video, giới thiệu sách.
Các nhà trường cũng tích cực tổ chức các hoạt động như Chương trình phát động
hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hàng năm; trưng bày, triển lãm sách và thi xếp sách theo chủ đề của một số thư viện trường học; trình chiếu triển lãm số "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” và Chương trình giới thiệu sách của Cục Xuất bản - In và Phát hành…
Em Nguyễn Đức Anh - học sinh Lớp 9, Trường THCS thị trấn Mậu A, Văn Yên chia sẻ: "Ngoài đọc sách tại thư viện trường ngày nghỉ em còn được bố mẹ cho đến Thư viện huyện Văn Yên để tìm thêm các tài liệu phục vụ học tập và giải trí. Em thấy đọc sách đem lại nhiều kiến thức, trải nghiệm hay mà ngay cả mạng Internet cũng không thể có”.
Bên cạnh đó, để góp phần xây dựng, phát triển văn hóa đọc, Sở GD&ĐT đã chú trọng bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác thư viện của các nhà trường thông qua việc tổ chức các đợt tập huấn về công tác nghiệp vụ thư viện. Triển khai các hoạt động, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, tổ chức hội thảo về công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc cho cán bộ quản lý, cán bộ thư viện của các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Sở còn đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá của giáo viên theo hướng phát triển năng lực người học, qua đó xây dựng và phát triển văn học đọc cho học sinh. Còn giáo viên hướng dẫn học sinh lựa chọn sách có giá trị để đọc, ghi nhớ những kiến thức trong sách, tra cứu thông tin và đọc sách báo qua mạng xã hội đúng cách, biết sàng lọc để tiếp nhận thông tin, có định hướng và bản lĩnh, trí tuệ trong quá trình tiếp cận và đọc qua mạng.
Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa đọc góp phần đẩy mạnh Phong trào "Học không bao giờ cùng” trong thời kỳ chuyển đổi số do Sở GD&ĐT cùng Hội Khuyến học tỉnh và một số sở, ngành, địa phương tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ, bà Phạm Thị Kim Thanh - Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT cho biết: "Đối với cán bộ, giáo viên, học sinh, đọc và học tập không chỉ là một nhu cầu cơ bản mà còn là yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển bản thân. Công nghệ thông tin ngày càng phát triển nhất là công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh càng phải nâng cao tinh thần học tập, thường xuyên trau dồi, bồi đắp thêm kiến thức để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc dạy và học. Vì vậy, Sở GD&ĐT coi việc nâng cao văn hóa đọc là nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi cá nhân cũng như đối với các nhà trường”.
Có thể thấy, trong bối cảnh chuyển đổi số, các hoạt động nâng cao văn hóa đọc trong cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh mà Sở GD&ĐT tích cực triển khai đã góp phần mạnh mẽ nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời giúp cán bộ, giáo viên, học sinh trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số hóa ngày nay.
Lê Thương