Giờ học sinh động
Có mặt trong giờ học môn Khoa học tự nhiên của cô giáo Đặng Thị Thu Huyền - giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình thấy rõ sự hào hứng tiếp thu bài giảng của các em học sinh. Đó là nhờ cô Huyền đã sử dụng bộ phần mềm thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng tương tác trong tiết học. Nỗ lực tự học và nghiên cứu, cô luôn tìm tòi những trang web, phần mềm, ứng dụng liên quan đến giáo dục để thiết kế giáo án điện tử và sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Trong mỗi giờ học, cô thường sử dụng video, hình ảnh, trò chơi và các ứng dụng học tập để tăng sự sinh động cho bài học, giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ và kết quả học tập của học sinh được cải thiện rõ nét. Đến nay, bộ sưu tập học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp của cô đã lên tới trên 100 em.
Cô giáo Huyền chia sẻ: "Được phân công giảng dạy môn Khoa học tự nhiên và tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh học các cấp, bản thân tôi luôn không ngừng học hỏi, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác hình ảnh, video, các thí nghiệm ảo, học liệu điện tử cũng như các nội dung để bài giảng gọn, đẹp và sinh động. Đặc biệt, tôi thấy việc chuyển đổi số trong giảng dạy giúp giáo viên tránh được tình trạng "dạy chay” nhàm chán, có thêm thời gian hướng dẫn học sinh tiếp cận thêm nhiều kỹ năng, kiến thức mới. Qua những bài giảng sinh động, học đã thực sự đi đôi với hành nên các em học sinh rất thích thú và tiếp thu bài nhanh, hiệu quả hơn”.
Trong làn sóng chuyển đổi số, giáo viên không chỉ là người trực tiếp trải nghiệm đầu tiên mà còn là "cầu nối” quan trọng, giúp đưa công nghệ đến với học sinh và phụ huynh. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, những năm qua, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Trần Phú, huyện Văn Chấn đã thực hiện tốt phong trào thiết kế bài giảng điện tử, xây dựng thiết bị dạy học số và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để xây dựng một môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện và hiệu quả hơn. Sáng tạo và cởi mở với các công nghệ giáo dục mới, các thầy cô giáo của nhà trường cũng rất cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn lựa nền tảng và công cụ để đáp ứng được nhu cầu thực tế của học sinh.
Theo cô giáo Lưu Thị Tươi – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú thì với mỗi nền tảng hoặc công cụ mới, giáo viên sẽ là người thử nghiệm để hiểu cách sử dụng, từ đó có thể lựa chọn cũng như đưa ra những hướng dẫn và định hướng phù hợp cho học sinh và phụ huynh. Bởi thế, thời gian qua, nhà trường luôn động viên và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn công nghệ thông tin để áp dụng các phần mềm thiết kế bài giảng trên bảng tương tác cũng như các thiết bị trong phòng học thông minh như: ActivInspire, Karafun Editor, ImindMap, Ispring suite vào giảng dạy. Đồng thời, khuyến khích các thầy cô tìm hiểu thêm về các công cụ AI và các công nghệ mới khác để mang đến cho học sinh trải nghiệm học tập phong phú và tiện ích hơn.
Cơ hội để thầy cô thay đổi bản thân
Nhờ sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục tại Trường Tiểu học Trần Phú đã trở thành một giải pháp thiết thực, giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Minh chứng rõ nét đó là trong năm học 2023 - 2024, nhà trường có trên 200 lượt học sinh đạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia tại các sân chơi: Trạng nguyên Tiếng Việt, Trạng nguyên toàn tài, Olympic tiếng Anh, Olympic tiếng Toán, Tin học trẻ. Cùng với đó là giải Nhì toàn đoàn cuộc thi xây dựng thiết bị dạy học số do PhòngGiao dục - Đào tạo phát động.
Đặc biệt, tháng 7/2024, nhà trường vinh dự có
cô giáo Nguyễn Thị Huyền – giáo viên môn Tiếng Anh đã vượt qua trên 4.070 thí sinh trên toàn quốc xuất sắc đoạt giải đặc biệt cuộc thi "Giáo viên thiết kế bài giảng điện tử môn tiếng Anh” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức. Bài giảng của cô Huyền được đánh giá là thể hiện rõ nét sự sáng tạo và kỹ năng ứng dụng công nghệ hiện đại.
Cô Huyền chia sẻ: "Trong thời đại "4.0", sự thay đổi trong cách tiếp cận tri thức đã đặt ra thách thức lớn cho giáo viên chúng tôi. Bởi công nghệ thông tin phát triển, học sinh dễ dàng tiếp cận các kiến thức ở nhiều nguồn, cho nên bắt buộc các thầy cô phải liên tục học hỏi, cập nhật những kiến thức, làm mới bài giảng để giải đáp thắc mắc, định hướng các em trong hành trình học tập. Tôi thấy đây là cơ hội để chúng tôi thay đổi bản thân, tích lũy kiến thức, kỹ năng mới tiến bộ hơn giúp phát triển năng lực cần thiết cho học trò”.
Có thể thấy trước đây, các em học sinh chủ yếu tham gia các chương trình giáo dục đã được xây dựng sẵn, có khuôn mẫu chung cho số đông và tiếp cận kiến thức một chiều thầy giảng- trò nghe, rất thụ động. Ngày nay, trước đòi hỏi của giáo dục hiện đại, học trò không chỉ lĩnh hội kiến thức từ một phía thầy cô mà có thể tiếp cận ở nhiều phương tiện khác nhau. Quán triệt phương châm" lấy học trò làm trung tâm", các thầy cô giáo trên địa bàn Yên Bái đã tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học trong điều kiện mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào hoạt động giảng dạy , định hướng cho học sinh chọn lọc thông tin để từ đó, giúp học sinh có thể tự học, tự tìm tòi trên không gian số.
Đến nay, toàn tỉnh có trên 10.500 giáo viên có ứng dụng chuyển đổi sốnhằm đổi mới phương pháp dạy học (đạt 98,4%) . Việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học môn Tin học đã được quan tâm: 190 trường có đủ phòng máy tính theo quy định để tổ chức dạy học (đạt 72%); 100% các trường học đã có mạng internet cáp quang phục vụ hoạt động quản lý, dạy học; nhiều trường học có từ 2 - 4 đường truyền…
Từ sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất của ngành giao dục- đào tạo tỉnh trong bối cảnh chuyển đổi số, cùng sự nỗ lực vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo để thay đổi, thích nghi và đổi mới sẽ góp phần quan trọng để ngành giáo dục Yên Bái tiếp tục có những bước đi vững chắc trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng nền giáo dục hiện đại, bắt kịp xu thế hội nhập và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của học sinh trong kỷ nguyên số.
Thanh Chi