Bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2024-2025, tỉnh Phú Thọ thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, bao gồm cả dạy học các môn học, tổ chức hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ chính khóa, học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy. Việc thí điểm này áp dụng với khối 6, 7, 8, 10, 11.
Sẽ có 14 trường THPT tại 13 huyện, thành thị trong tỉnh Phú Thọ triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần. Còn tại khối THCS, mỗi phòng GD&ĐT sẽ thực hiện thí điểm ít nhất với một trường đủ điều kiện áp dụng.
Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu các trường thực hiện thí điểm phải được sự thống nhất, đồng thuận của đội ngũ giáo viên, cán bộ, học sinh, phụ huynh nhà trường. Đồng thời, trường đảm bảo thực hiện đúng, đủ nội dung chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tháng 9/2024, UBND tỉnh Lai Châu cũng quyết định cho học sinh đến trường từ thứ Hai đến Sáu, nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật theo đề xuất của Sở GD&ĐT tỉnh. Tỉnh này nêu rõ, việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới theo kế hoạch thời gian năm học.
Nha Trang (Khánh Hòa), Lào Cai là một trong số những địa phương đầu tiên triển khai việc tổ chức dạy học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật.
Theo đó, Lào Cai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần bắt đầu từ năm học 2019-2020. Sau 5 năm thực hiện thí điểm tỉnh ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học. Hiện, Lào Cai tiếp tục thực hiện dạy 5 ngày/tuần, nghỉ thứ Bảy với cấp tiểu học và THCS; chưa thực hiện ở bậc THPT do điều kiện cấp học này chưa đáp ứng.
Từ đầu năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho phép thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, nghỉ ngày thứ Bảy, Chủ nhật với học sinh THCS tại thành phố Hà Tĩnh.
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh yêu cầu Phòng GD&ĐT TP rà soát, nghiên cứu kỹ, đảm bảo điều kiện khi triển khai. Đặc biệt, phải đảm bảo thời lượng học tập theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và phù hợp với thực tiễn, xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày trong các nhà trường khoa học, hợp lý, khảo sát lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh, học sinh để tạo sự đồng thuận.
Tại Nghệ An, nhiều trường THCS ở TP Vinh và các huyện miền núi thí điểm cho học sinh nghỉ học thứ Bảy từ năm 2023, căn cứ trên cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng lịch học 2 buổi/ngày.
Tại Hà Nội, việc nghỉ học thứ Bảy được áp dụng với phần lớn các trường tư thục và trường THCS chất lượng cao. Ở khối công lập, hai trường áp dụng chính sách này là trường THPT Phan Huy Chú và trường THPT Yên Hòa.
Về vấn đề này, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn về việc dạy học hai buổi mỗi ngày với cấp THCS và THPT. Theo đó, nếu dạy cả ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với bậc THCS, 5 tiết với THPT.
Số tiết tối đa buổi chiều là 3 tiết, tối đa 1 tuần là 42 với cấp THCS và 48 với cấp THPT. Các trường được chủ động trong việc bố trí lịch học 5 hoặc 6 ngày/tuần. Tuy nhiên, việc triển khai học 2 buổi/ngày và 5 ngày/tuần liên quan tới cơ sở vật chất, số phòng học cũng như đội ngũ giáo viên.
Việc sắp xếp thời gian cho các em khối THCS và khối THPT được nghỉ ngày thứ Bảy nhận được hầu hết sự đồng ý của các bậc phụ huynh và các em học sinh bởi kéo dài thời gian nghỉ ngơi và tăng tính tập trung cho việc học trong tuần.
(Theo VTC News)