Dự kiến các trường tiểu học, THCS công lập có thể được tuyển người tốt nghiệp cao đẳng để dạy các môn Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ, Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc) thay vì phải có bằng đại học.
|
Ảnh minh họa
|
Đây là nội dung trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tuyển người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, được Bộ GD-ĐT đăng tải, lấy góp ý đến ngày 11/4.
Theo dự thảo, các cơ sở giáo dục công lập cấp tiểu học và THCS được phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể, tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Tiếng Anh hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn Tiếng Anh để dạy môn Tiếng Anh cấp tiểu học.
Tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Tin học hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn Tin học để dạy môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học và dạy môn Tin học cấp THCS.
Tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về Nghệ thuật hoặc Âm nhạc hoặc Mĩ thuật hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn Nghệ thuật hoặc Âm nhạc hoặc Mĩ thuật để dạy môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) cấp tiểu học và THCS.
Các trường hợp có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp, phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tương ứng với cấp học đăng ký tuyển dụng theo chương trình do Bộ trưởng GD-ĐT ban hành.
Cũng theo dự thảo, việc tổ chức tuyển dụng đối với giáo viên quy định tại nghị quyết này thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ, trong đó phần thi môn nghiệp vụ chuyên ngành thực hiện theo hình thức thực hành.
Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự với thời gian tập sự áp dụng như trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học theo quy định của Chính phủ. Sau khi hoàn thành chế độ tập sự theo quy định, giáo viên được giữ mã số, xếp lương như trường hợp giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Bộ trưởng GD-ĐT đối với từng cấp học.
Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải tham gia lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên theo quy định và hoàn thành việc nâng chuẩn trình độ đào tạo trước ngày 31/12/2030.
Giáo viên được tuyển dụng theo quy định tại nghị quyết này sẽ được hưởng các chế độ, chính sách khác đối với giáo viên theo quy định hiện hành của pháp luật.
(Theo Vietnamnet)
Gần 60 đại học công bố xét tuyển học bạ, dùng cả điểm lớp 12 hoặc kết hợp với tiêu chí khác, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến siết phương thức này.
Từ học kỳ 2 năm học 2024 - 2025, tỉnh Yên Bái chính thức áp dụng lịch học từ thứ Hai đến thứ Sáu, cho học sinh THCS được nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật. Thực tế triển khai cho thấy, chủ trương này nhận được sự đồng thuận, phản hồi tích cực từ cả học sinh, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh.
13 trường quân đội có đủ điều kiện được giao nhiệm vụ đào tạo hệ dân sự từ năm 2025, sau khoảng 6-7 năm dừng tuyển, với 3.200 chỉ tiêu.
Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về quản lý việc dạy thêm, học thêm đã có hiệu lực, đặt ra nhiều quy định chặt chẽ đối với hoạt động này. Vậy nếu vi phạm các quy định về dạy thêm, giáo viên có thể phải đối mặt với những hình thức xử lý nào?