Hệ lụy xét tuyển sớm
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), xét tuyển sớm dẫn đến nhiều hệ lụy. Đó là gần như học kì II năm học lớp 12, học sinh đã trúng tuyển chỉ học cầm chừng và hiện tượng "xôi đỗ” trong lớp học khiến giáo viên rất khó có kế hoạch ôn tập, giảng dạy phù hợp với những em chưa trúng tuyển sớm.
Xét tuyển sớm mang đến gánh nặng về nguồn lực đối với các nhà trường, đồng thời cũng là gánh nặng đối với thí sinh khi phải nộp hồ sơ rất vất vả ở nhiều trường khác nhau. Dù vẫn phải giành nhau để xét tuyển sớm nhưng các trường ĐH cũng phải đối mặt với hiện tượng ảo, dẫn đến việc có thể gọi số thí sinh trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu, bị phạt theo quy chế hoặc hụt chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo.
Trong những năm qua, các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh. Tuy nhiên, cũng từ đây xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lí giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển, đồng thời đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên rất cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều. Điều này gây bất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.
Chính vì thế, quy chế tuyển sinh lần này quy định thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung, thống nhất đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trừ trường hợp xét tuyển thẳng.
Đặc biệt, với quy định mới của Bộ GD&ĐT, các trường vẫn được sử dụng đa dạng phương thức xét tuyển. Đồng thời, thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực... không bị ảnh hưởng. Các em vẫn sử dụng điểm và các chứng chỉ này để xét tuyển vào các trường. Với các trường ĐH, chỉ cần thay đổi về thời gian xét tuyển, thực hiện xét tuyển bằng các phương thức sử dụng kết quả kì thi riêng, IELTS, ACT/SAT… vào đợt xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT và công bố điểm chuẩn cùng đợt theo lịch chung.
Linh hoạt điều chỉnh
Nguyễn Lê Hồng Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT Marie Curie, Hà Nội chia sẻ, với những thay đổi của Bộ GD&ĐT, bản thân và gia đình đã có những điều chỉnh linh hoạt để ứng biến, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường mong muốn.
Một số trường ĐH không bị ảnh hưởng bởi quy định không xét tuyển sớm vì các phương thức xét tuyển không phức tạp. Ví như, theo TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Giao thông Vận tải, nhà trường vẫn giữ phương thức xét học bạ, triển khai xét tuyển cùng đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ĐH này phải điều chỉnh kế hoạch xét tuyển phương thức xét tuyển tài năng - vốn là phương thức xét tuyển sớm. Cụ thể, trong phương thức này, nhóm thí sinh thuộc diện tuyển thẳng theo quy định của quy chế sẽ được công nhận trúng tuyển sớm có điều kiện (thí sinh còn đáp ứng điều kiện đủ là tốt nghiệp THPT). Hằng năm, khoảng 200 học sinh đăng ký xét tuyển thẳng vào ĐH Bách khoa Hà Nội gồm đạt giải học sinh giỏi quốc gia, đạt huy chương olympic quốc tế. Nhóm còn lại là xét tuyển hồ sơ đánh giá năng lực kết hợp phỏng vấn.
Năm nay, ĐH Bách khoa dự kiến tổ chức xét tuyển và công bố điểm cho thí sinh vào tháng 6. Nhà trường chỉ công bố tổng điểm thí sinh đã đạt được sau khi qua hai vòng là xét hồ sơ và phỏng vấn. Sau khi Bộ GD&ĐT mở cổng đăng kí, thí sinh cập nhật điểm trên hệ thống và đăng kí nguyện vọng, thí sinh sẽ biết điểm chuẩn, cơ hội trúng tuyển khi Bộ GD&ĐT tổ chức lọc ảo xong. Thí sinh thực hiện tương tự với phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy (do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức).
Như vậy, năm nay, phương thức xét điểm thi đánh giá tư duy và xét tuyển tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn đồng thời với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. PGS Điền cho biết, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến lựa chọn thang điểm chung của 3 phương thức là 100. Nhà trường đang tính toán và sẽ có công bố cụ thể.
Học viện Hàng không Việt Nam từng thực hiện xét tuyển sớm theo 5 phương thức: ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi, ưu tiên xét tuyển theo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, xét điểm kì thi đánh giá năng lực, xét điểm học bạ và tuyển thẳng. Nhưng năm nay, Học viện dự kiến bỏ xét tuyển sớm theo tinh thần quy chế tuyển sinh. Các phương thức thực hiện xét tuyển chung đợt, căn cứ trên điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm kì thi đánh giá năng lực, điểm học bạ, xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (riêng xét tuyển thẳng theo thời gian quy định của Bộ GD&ĐT), bỏ phương thức xét tuyển học sinh giỏi.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Bộ công bố quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025 trong tháng 2. So với dự thảo, Bộ GD&ĐT sẽ bỏ xét tuyển sớm thay vì giới hạn chỉ tiêu 20%. Điểm cộng ưu tiên của mỗi thí sinh không vượt quá 10% mức điểm tối đa, tổng điểm xét tuyển của thí sinh không vượt quá mức điểm tối đa.
Trường ĐH Nha Trang có một số dự kiến điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh để phù hợp nếu quy chế tuyển sinh ban hành chính thức. Điểm mới chính là sử dụng kết quả học tập THPT để sơ tuyển thí sinh. Đây được xem là điều kiện cần trước khi thí sinh đăng kí xét tuyển chính thức theo kế hoạch và quy trình xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
(Theo TPO)